4 thay đổi ăn uống tốt cho đường ruột
Ăn đa dạng thực phẩm, không bỏ vỏ một số loại rau củ quả, uống cà phê ở mức vừa phải có lợi giúp bảo vệ sức khỏe đường ruột.
Thói quen ăn uống hàng ngày ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh hỗ trợ hệ thống miễn dịch, tăng cường hấp thụ chất dinh dưỡng, giảm nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa. Dưới đây là những lưu ý góp phần bảo vệ đường ruột.
Ăn nhiều tinh bột
Thông thường người giảm cân loại bỏ carbohydrate ra khỏi chế độ ăn uống. Tuy nhiên, khi giảm lượng carbohydrate nạp vào, bạn có thể bỏ lỡ chất xơ trong thực phẩm. Các loại ngũ cốc và rau củ giàu tinh bột chứa nhiều chất xơ giúp nuôi dưỡng lợi khuẩn trong đường ruột. Thực phẩm cung cấp chất xơ prebiotic bao gồm rễ rau diếp xoăn, măng tây, táo, chuối, đậu lăng... Chỉ nên bỏ carbohydrate không tốt như đồ ăn nhanh chứa nhiều đường, tinh bột tinh chế.
Ăn vỏ rau củ quả
Vỏ táo, dưa chuột, cà rốt, khoai tây, cà tím, một số loại bí cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa tốt cho hệ tiêu hóa và sức khỏe tổng thể. Vỏ rau củ cung cấp chất xơ prebiotic nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột. Tuy nhiên, một số loại vỏ khó tiêu thụ hoặc không ăn được. Ví dụ, vỏ quả bơ dù nấu chín hay sống đều không nên ăn. Vỏ dứa dai, cứng khó nhai và tiêu hóa. Trái cây họ cam quý đắng nên khó ăn sống.
Uống cà phê
Một số người không uống cà phê vì nghĩ có hại cho dạ dày, tuy nhiên dùng cà phê ở mức độ vừa phải có thể thúc đẩy chức năng đường ruột. Cà phê chứa nhiều hợp chất thực vật polyphenol góp phần giảm viêm và căng thẳng oxy hóa. Chúng giúp tăng lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột, bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn có hại. Uống cà phê thường xuyên cũng giúp đi ngoài đều đặn. Một người trưởng thành khỏe mạnh không nên dùng quá 4-5 tách cà phê mỗi ngày.
Ăn đa dạng thực phẩm
Nhiều người có thói quen ăn lặp lại một vài món trong tuần. Đường ruột khỏe mạnh, sức khỏe tốt hơn nếu thực hiện chế độ ăn uống phong phú. Chúng bổ sung nhiều chất dinh dưỡng, nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột. Hệ vi sinh vật đa dạng có liên quan chặt chẽ đến tiêu hóa tốt hơn, nâng cao sức đề kháng, giảm các rối loạn chuyển hóa mạn tính.
Thay đổi chế độ ăn uống bằng cách ưu tiên rau theo mùa, chọn các loại hạt khác để thêm vào hỗn hợp hạt khô, ăn nhiều loại hoa quả, thực phẩm có chất chống oxy hóa, protein lành mạnh, chất béo khác nhau. Thực phẩm chứa chất chống oxy hóa có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư bằng cách bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại. Mỗi người nên giảm thịt đỏ và thức ăn có đường, tránh đồ uống có cồn.