5 bệnh thường gặp ở buồng trứng
Hội chứng buồng trứng đa nang, u nang, ung thư buồng trứng do viêm nhiễm có thể ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan này, làm tăng nguy cơ vô sinh.
Buồng trứng là hai tuyến nhỏ trong hệ thống sinh sản nữ, có cấu trúc rắn chắc, kích thước và hình dạng bằng quả óc chó, nằm ở hai bên của tử cung. Buồng trứng được giữ cố định và hỗ trợ bởi các dây chằng gắn vào tử cung, ống dẫn trứng và thành bên của xương chậu.
Buồng trứng gồm phần vỏ ngoài, chứa nhiều nang trứng, là những túi nhỏ chứa đầy chất lỏng nơi trứng phát triển. Phần tủy bên trong được tạo thành từ các mô liên kết khá lỏng lẻo, chứa các mạch máu, mạch bạch huyết và các sợi thần kinh.
Chức năng chính của buồng trứng là phát triển và giải phóng trứng trưởng thành, đồng thời sản xuất hormone giới tính cho kinh nguyệt, mang thai, chức năng sinh sản và hỗ trợ các mô khác. Các bệnh lý dưới đây thường gặp ở buồng trứng, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.
Xoắn buồng trứng
Ít khi buồng trứng có thể xoắn quanh dây chằng. Tình trạng này được gọi là xoắn buồng trứng, có thể gây đau dữ dội. Xoắn buồng trứng là trường hợp cấp cứu y tế vì có thể cắt đứt nguồn cung cấp máu cho buồng trứng và ống dẫn trứng.
Các triệu chứng ban đầu là đau vùng chậu nghiêm trọng, thường ở một bên, kèm theo buồn nôn và nôn. Bác sĩ thường phẫu thuật ngay lập tức để khôi phục nguồn cung cấp máu và bảo tồn buồng trứng.
U nang buồng trứng
U nang là những túi chứa đầy chất lỏng tương tự như mụn nước hình thành trên buồng trứng. U nang buồng trứng thường gặp trong độ tuổi sinh sản, hình thành trong thời kỳ rụng trứng hoặc mang thai. Trong một số trường hợp, chúng có thể là kết quả của việc điều trị nội tiết tố, bao gồm cả phương pháp điều trị sinh sản. Các nguyên nhân khác là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), lạc nội mạc tử cung hoặc nhiễm trùng vùng chậu. Hầu hết các loại u nang buồng trứng đều vô hại, có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Đây là chứng rối loạn nội tiết tố phổ biến nhất ở phụ nữ và là nguyên nhân thường gặp dẫn tới vô sinh. Nồng độ androgen cao hơn bình thường gây rối loạn phóng noãn, khiến trứng rụng không đều, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, khó thụ thai.
Nhiều trường hợp PCOS không được chẩn đoán vì các triệu chứng khác nhau ở mỗi người. Phụ nữ mắc PCOS thường có dấu hiệu kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh, tăng cân đột ngột, da mặt nhờn, sẫm màu, nổi nhiều mụn trứng cá, đau và khó chịu vùng chậu. Sự gia tăng nồng độ nội tiết tố nam trong cơ thể còn gây rậm lông ở mặt, lưng, bụng và ngực.
Không có cách chữa trị PCOS nhưng vẫn có các phương pháp nhằm kiểm soát triệu chứng và biến chứng của bệnh. Bác sĩ có thể kê thuốc nội tiết điều hòa chu kỳ kinh nguyệt hoặc chỉ định các phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng thường không gây ra triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng. Tại Mỹ, ung thư buồng trứng đứng thứ 5 về tỷ lệ tử vong do ung thư ở phụ nữ, khiến nó trở thành bệnh ung thư phụ khoa nguy hiểm nhất. Cắt bỏ buồng trứng có thể được khuyến nghị để giảm nguy cơ ung thư buồng trứng, nhất là phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh.
Tổn thương ống dẫn trứng
Ống dẫn trứng có thể bị ảnh hưởng bởi các bệnh lý, nhiễm trùng hoặc các tình trạng khác, dẫn đến sẹo hoặc tổn thương, làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung hoặc ngăn cản trứng và tinh trùng gặp nhau để tạo ra phôi, gây vô sinh.
Một số nguyên nhân gây tổn thương ống dẫn trứng là bệnh viêm vùng chậu và lạc nội mạc tử cung, bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, các bệnh nhiễm trùng vùng chậu khác.
Để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý buồng trứng, phụ nữ nên ăn uống khoa học, bổ sung nhiều loại rau củ quả, tránh thức ăn nhanh, chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, uống đủ nước, thường xuyên vận động phù hợp với thể trạng.
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, tránh tình trạng viêm nhiễm. Quan hệ tình dục lành mạnh, hạn chế mang thai ngoài ý muốn dẫn đến phá thai. Khám sức khỏe phụ khoa định kỳ để sớm phát hiện các bệnh lý, điều trị kịp thời, ngăn ngừa nguy cơ vô sinh.