5 ngày ghép gan 3 ca, bác sĩ tăng tốc cứu trẻ khỏi cửa tử
TP HCMTrong 5 ngày, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện liên tiếp 3 ca đại phẫu ghép gan - mức kỷ lục từ trước đến nay.
Ngày 17/10, BS.CK2 Nguyễn Hồng Vân Khánh - Phó khoa Gan Mật Tụy và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết cả ba bệnh nhi đều xơ gan, teo đường mật đã phẫu thuật Kasai. Trong đó, bé trai gần hai tuổi và bé 3,5 tuổi phải nhập viện rất nhiều lần trước mổ vì xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, được điều trị giữ tính mạng kịp thời. Sau 3 ca mổ hôm 26-28-30/8, chức năng gan các bé dần cải thiện, trong đó một em hồi phục xuất viện.
"Đây là lần đầu bệnh viện ghép ba ca một tuần, đòi hỏi sự sắp xếp rất lớn về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị", bác sĩ nói. Riêng trong ngày diễn ra mổ ghép, bệnh viện phải huy động ít nhất 50 y bác sĩ, chưa kể rất nhiều lần hội chẩn, chuẩn bị chu đáo trước đó. Việc chăm sóc hậu phẫu cùng lúc ba ca cũng đặt ra nhiều thách thức, bởi mỗi trẻ sau mổ ghép gan thường nằm viện khoảng 1-2 tháng.
19 năm qua, bệnh viện phẫu thuật 41 ca ghép gan. Riêng ba năm qua, nơi này thực hiện 28 trường hợp, gấp đôi số ca trong hơn 15 năm trước đó. Sau ca ghép đầu tiên năm 2005, hầu như mỗi năm bệnh viện chỉ thực hiện được một trường hợp, với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Đây là con số rất ít so với danh sách chờ ghép luôn hàng trăm ca, tăng dần mỗi năm.
Do đó, đến cuối năm 2020, bệnh viện thành lập Khoa Gan Mật Tụy và Ghép gan, tập trung đầu tư phát triển mảng này. Cùng thời điểm đó, do ảnh hưởng Covid-19, chuyên gia nước ngoài không thể sang. Một số trẻ không thể cầm cự chờ ghép gan đã vĩnh viễn ra đi, các bác sĩ quyết tâm tự lực thực hiện. Cuối năm 2021, các bác sĩ lần đầu hoàn toàn tự chủ kỹ thuật, không nhờ đến sự hỗ trợ của nước ngoài.
Cuối năm 2022, bệnh viện từng phải hoãn các ca ghép tạng cho bệnh nhi do không có phòng mổ, đề án ghép tạng chưa được thông qua. Nhiều gia đình đưa con ra Hà Nội để ghép, còn phụ huynh khác không có điều kiện đành đưa trẻ về nhà, khiến sự sống của trẻ bị đe dọa. Sau đó, bệnh viện gấp rút bổ sung các điều kiện, khởi động lại việc ghép tạng, tháng 6/2023. Đặc biệt, số ca ghép tăng nhanh kể từ tháng 4 năm nay, sau khi bệnh viện được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện tự chủ ghép tạng ngay tại bệnh viện, thay vì nhờ đến sự hỗ trợ chuyển giao và có mặt của các đơn vị (đã đủ điều kiện ghép) như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM hoặc các chuyên gia từ nước ngoài.
Theo TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng Khoa Gan Mật Tụy và Ghép gan, hiện hơn 100 trẻ tại viện có chỉ định ghép gan. Mỗi tháng trung bình 2 trẻ tử vong vì nhiều lý do như diễn tiến nặng, không đợi được tạng ghép phù hợp, chưa đủ điều kiện kinh tế mổ ghép...
"Chúng tôi hy vọng trong năm tới bệnh viện khánh thành trung tâm ghép tạng, có đủ phòng ốc, trang thiết bị tăng tốc số ca ghép", bác sĩ Trí nói. Thực tế hiện nay mỗi năm bệnh viện chỉ thực hiện tối đa 10-14 ca ghép, chưa có điều kiện về phòng ốc, chăm sóc cùng lúc nhiều trẻ cùng lúc để có thể tăng nhanh ca ghép.
Bác sĩ cho rằng số trẻ được mổ ghép tăng gần đây nhưng con số vẫn còn rất nhỏ, so với những trung tâm đã ghép cả nghìn ca trên thế giới, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của xã hội. Do đó, việc ghép gan của bệnh viện được xem là "những bước đi đầu, còn rất nhiều việc phải làm trong tương lai, nhiều khó khăn trước mắt". Hơn nữa, bệnh viện cần hoàn thiện hơn kỹ thuật lấy gan từ người cho sống, thay vì phụ thuộc vào sự giúp đỡ của các bệnh viện chuyên điều trị người lớn.
BS.CK2 Đặng Xuân Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, ước tính với khả năng ghép một tháng khoảng 4 ca, bệnh viện có thể thực hiện đều đặn một năm gần 50 trường hợp, giúp tăng khả năng đáp ứng nhu cầu ghép tạng đang rất lớn của khu vực phía Nam. Bệnh viện đang nỗ lực đạt mốc 50 ca ghép nhân dịp khánh thành trung tâm ghép tạng và kỷ niệm ngày lễ 30/4 năm tới.
Hiện, ghép gan là giải pháp duy nhất cứu sống trẻ suy, xơ gan giai đoạn cuối. Trong số 41 ca đã ghép, 33 em sống khỏe mạnh, 4 ca tử vong chủ yếu do bệnh lý nhiễm trùng, còn 4 trường hợp khác vừa ghép xong đang chăm sóc hậu phẫu. Trở ngại lớn nhất hiện nay với nhiều gia đình là nguồn tạng khan hiếm, chi phí ghép còn cao, dao động 300-500 triệu đồng sau khi trừ bảo hiểm y tế chi trả.