5 sự thật về yết hầu
Yết hầu có thể tiết lộ thanh âm giọng nói, bị ảnh hưởng bởi nồng độ hormone testosterone và tồn tại ở cả phái nữ.
Cấu tạo chủ yếu từ sụn
Yết hầu (trái cổ) là một phần sụn bao quanh tuyến giáp, nằm ở phía trước cổ họng, còn được gọi là sụn tuyến giáp, thường nổi bật hơn ở nam giới. Yết hầu chủ yếu làm từ sụn, có hình dáng một cái phễu với phần đáy hướng về phía trước cổ, tạo nên nét đặc trưng ở phái mạnh. Bộ phận này có tác dụng bảo vệ thanh quản hay còn gọi là dây thanh âm nằm trong cổ họng.
Không chỉ nam giới mới có yết hầu
Yết hầu là một đặc trưng giới tính thứ cấp, nghĩa là có sự khác biệt rõ ràng trong cấu trúc giữa nam và nữ. Ở nhiều nam giới, thanh quản phát triển đẩy bộ phận này nhô ra ngoài, trong khi ở phụ nữ sự phát triển này ít rõ rệt.
Yết hầu phát triển khi dậy thì
Trong thời thơ ấu, kích thước của sụn tuyến giáp cùng thanh quản ở cả hai giới đều giống nhau. Mặc dù hai giới đều có yết hầu nhưng chúng có xu hướng rõ rệt hơn ở nam giới.
Ở tuổi dậy thì, testosterone khiến dây thanh âm ở nam phát triển dày, dài hơn. Phần sụn bao quanh thanh quản cũng phát triển rồi hơi nghiêng về phía trước, tạo nên hình dáng trái cổ. Những thay đổi về cấu trúc này không xảy ra nhanh chóng. Sụn tuyến giáp thay đổi và trưởng thành, gắn liền với những thay đổi về nội tiết tố ở tuổi dậy thì.
Các bé gái cũng trải qua những thay đổi về thanh quản ở tuổi dậy thì nhưng mức độ phát triển không đáng kể bằng bé trai.
Sự khác biệt giữa nam và nữ
Thanh quản nằm ở phía trước cổ, chứa các dây thanh âm. Đây là những nếp gấp của mô rung động để tạo ra âm thanh. Cùng với các bộ phận khác như miệng, đường mũi, thanh quản tạo ra giọng nói. Nó cũng bảo vệ đường hô hấp trong quá trình nuốt. Thanh quản của nam giới thường phát triển to hơn và nhanh hơn ở tuổi dậy thì, khiến giọng nói trầm, to hơn nữ giới.
Sự khác biệt về nội tiết tố ảnh hưởng đến sự phát triển của cả thanh quản, yết hầu ở nam. Điều này có nghĩa là một số phụ nữ có hàm lượng testosterone cao hay chuyển giới có thanh quản lớn hơn, giọng nói trầm hơn.
Kích thước, hình dáng yết hầu thay đổi được
Giới tính không phải là yếu tố ảnh hưởng tới kích thước trái cổ. Ngược lại, liệu pháp hormone và phẫu thuật có thể làm thay đổi diện mạo của nó. Một số người chọn định hình lại hình dạng của bộ phận này như một phần của quá trình chuyển đổi giới tính.
Phẫu thuật cấy ghép sụn từ nơi khác trong cơ thể (chẳng hạn từ xương sườn) giúp cải thiện kích thước. Ngược lại, loại bỏ phần sụn thừa ở khu vực xung quanh tuyến giáp có thể làm giảm kích thước. Đây được gọi là phẫu thuật tạo hình sụn thanh quản.