6 bệnh lý thường gặp khi thận yếu
Chức năng thận giảm là hậu quả của nhiều bệnh lý như viêm cầu thận, viêm đường tiết niệu, bệnh thận đa nang, hội chứng thận hư, sỏi thận…
Bác sĩ chuyên khoa II Đinh Cẩm Tú (Trung tâm Tiết niệu Thận học - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết, thận là cơ quan bài tiết chính của hệ tiết niệu, đảm đương nhiều chức năng như lọc máu, đào thải độc tố, giúp tái hấp thu nước, các axit amin và glucose. Thận cũng là nơi sản xuất các hormone nội tiết calcitriol, renin, erythropoietin. Khi chức năng của thận suy giảm, không thể đảm nhiệm tốt các chức năng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Trường hợp nặng cần phải lọc máu (chạy nhân tạo, lọc màng bụng) hoặc phải ghép thận.
Theo bác sĩ Tú, chức năng của thận suy giảm mạn tính có thể do mắc các bệnh lý phổ biến ở thận như sỏi thận, viêm cầu thận, bệnh thận đa nang, viêm đường tiết niệu...
Sỏi thận (sạn thận)
Bệnh hình thành khi lượng nước tiểu và nồng độ khoáng chất ở thận tăng cao trong thời gian dài sẽ tạo thành các hạt rắn như viên sỏi. Sỏi thận có kích thước nhỏ có thể tống ra ngoài theo đường tiểu. Tuy nhiên, trường hợp sỏi có kích thước lớn có thể gây đau đớn, thậm chí làm tắc đường dẫn nước tiểu, gây hậu quả khôn lường.
Sỏi thận hình thành là do dùng thuốc tùy tiện, thói quen ăn mặn, ăn nhiều dầu mỡ, uống ít nước nên không thể đào thải độc tố và thải khoáng chất ra ngoài, hoặc do thói quen nhịn tiểu gây lắng đọng trong thận gây sỏi thận.
Viêm cầu thận
Là tình trạng bị viêm ở các tiểu cầu thận và các mạch máu trong thận. Bệnh lý viêm cầu thận có nhiều nguyên nhân, có thể do nhiễm trùng, tác dụng phụ của một số loại thuốc, hoặc do sự bất thường bẩm sinh và bệnh tự miễn. Dấu hiệu của bệnh là phù, tăng huyết áp, thiếu máu, thành phần nước tiểu thay đổi.
Viêm cầu thận cấp tính nếu tiến triển thời gian dài được xem là bệnh mạn tính, dẫn đến xơ teo cả 2 thận, khó có thể hồi phục được.
Bệnh thận đa nang
Bệnh thận đa nang là tổn thương của thận khá đặc trưng, do rối loạn di truyền gây ra nhiều u nang chứa đầy dịch phát triển bên trong thận, khiến thận tăng kích thước. Đồng thời, bệnh còn gây ra nhiều biến chứng như làm ảnh hưởng đến chức năng của thận, cùng những bất thường ở tim mạch, sỏi thận, suy thận, ung thư thận. Bệnh thận đa nang thường làm tăng huyết áp, đau lưng hoặc bên hông, có máu trong nước tiểu, đầy bụng, nhức đầu, tăng kích thước bụng do thận to. Có thể kèm gan đa nang, phình động mạch não có thể gây chảy máu não...
Bệnh thận đa nang có nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau, nếu được phát hiện sớm, điều chỉnh lối sống tích cực và được điều trị đúng cách sẽ làm giảm các tổn thương do thận, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Suy thận cấp
Suy thận cấp chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, sau vài ngày và có thể phục hồi nếu được điều trị thích hợp. Trái ngược với suy thận cấp, suy thận mạn là quá trình tiến triển không thể phục hồi chức năng của thận. Việc điều trị chỉ giúp làm chậm tiến triển và ngăn ngừa biến chứng của suy thận mạn. Khi chức năng của thận suy giảm ở mức độ nghiêm trọng (suy thận độ 4, 5), người bệnh cần chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng thậm chí phải ghép thận.
Suy thận ở giai đoạn đầu, vẫn có khả năng bù trừ, thường sẽ không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, suy thận ở giai đoạn sau sẽ có những biểu hiện rõ ràng hơn như: chán ăn, mệt mỏi, ớn lạnh, rối loạn giấc ngủ, tiểu nhiều vào ban đêm, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu ít hơn bình thường, ngứa dai dẳng, phù các chi, đau ngực, khó thở, đau hông.
Hội chứng thận hư (thận nhiễm mỡ)
Là tình trạng mất protein qua nước tiểu trên 3g protein/ngày. Nguyên nhân là do tổn thương cầu thận, làm suy giảm chức năng của thận. Ngoài ra, thận hư do nguyên nhân thứ phát, thận hư nhiễm mỡ do các bệnh lý như: tiểu đường, lupus ban đỏ, rối loạn hệ miễn dịch, nhiễm trùng và tác dụng phụ của một số thuốc điều trị ung thư.
Dấu hiệu nhận biết thận hư là sưng phù quanh vùng mắt, bàn chân, mắt cá chân, nước tiểu có bọt, tăng cân do cơ thể tích nước, chán ăn, mệt mỏi. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tăng mỡ máu, suy dinh dưỡng (mất nhiều protein trong máu), huyết áp cao, nhiễm trùng, suy thận.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Là nhiễm trùng do vi khuẩn ở bất cứ bộ phận nào trong hệ thống tiết niệu. Trong đó, nhiễm trùng ở bàng quang và niệu đạo là phổ biến nhất. Nhiễm trùng tiết niệu không phức tạp được coi là bệnh viêm bàng quang hay viêm thận bể thận gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh, phụ nữ mang thai với những triệu chứng nhẹ dễ chữa trị. Bệnh xem là phức tạp cần phẫu thuật hoặc phải can thiệp y tế vào đường niệu đạo, có biến chứng ở nam giới, trẻ em, người lớn tuổi.
Bác sĩ Cẩm Tú khuyến cáo, thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường nêu trên, mọi người cần đến ngày cơ sở y tế, hoặc bệnh viện uy tín để thăm khám, kiểm tra sức khỏe để tầm soát, phát hiện và điều trị hiệu quả từ sớm.