Ai dễ bị gai cột sống?
Người cao tuổi, lao động nặng hoặc có tiền sử mắc các bệnh về cột sống dễ bị gai cột sống.
Gai cột sống là một phần tất yếu của quá trình lão hóa tự nhiên. Khi cơ thể già đi, đĩa đệm bị mất nước và hao mòn. Dây chằng cố định xương cũng lỏng lẻo. Để chống lại quá trình lão hóa này, cơ thể tạo ra các phần xương mọc thêm ở phía ngoài và hai bên cột sống nhằm duy trì sự ổn định, giảm căng thẳng cho cột sống. Lâu dần hình thành gai cột sống.
BS.CKI Kim Thành Tri, khoa Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết có nhiều nguyên nhân gây gai xương sống nhưng thường là do sụn khớp và đĩa đệm phải chịu áp lực thời gian dài, làm tổn thương sụn xương dưới sụn, hình thành các gai xương, dẫn đến đau và cản trở cử động khớp.
Những người dễ bị gai cột sống gồm:
Người lớn tuổi do quá trình lão hóa, dẫn đến thoái hóa cột sống. Đây là thủ phạm chính gây ra gai đốt sống. Thoái hóa cột sống làm cho sụn khớp bị bào mòn, dễ nứt vỡ. Ngay khi cơ thể nhận thấy sự bất thường này, quá trình bồi đắp canxi lập tức được khởi động. Tuy nhiên, sự bồi đắp có thể diễn ra không đồng đều gây nên tình trạng chỗ thiếu chỗ thừa.
Chỗ thiếu canxi hình thành các hõm xương, trong khi chỗ thừa canxi gây nên gồ ghề, lâu ngày tạo thành các gai xương. Khi tuổi cao, quá trình lão hóa dẫn đến lắng đọng canxi, có thể hình thành gai xương ở những đốt sống tiếp xúc với dây chằng, gân.
Người mắc bệnh viêm khớp cột sống mạn tính làm cho hai bề mặt xương tiếp xúc, cọ xát lên nhau. Để giảm áp lực và sự cọ xát này, cơ thể thực hiện quá trình tự điều chỉnh. Tuy nhiên, điều này lại ảnh hưởng đến khớp cột sống, khiến đốt sống bị xơ hóa, mọc gai.
Từng gặp chấn thương do thường xuyên vận động, khuân vác nặng, làm những công việc tạo áp lực cho cột sống hoặc tai nạn giao thông... có thể khiến đĩa đệm bị thoát vị. Lúc này, xương tự sửa chữa sau chấn thương, làm gai xương hình thành.
Người có lối sống không khoa học như thừa cân, hoạt động thể chất mạnh, thường xuyên hút thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích...
Người bệnh gai cột sống ở thắt lưng thường bị đau ở giữa thắt lưng hoặc lan xuống vùng hông. Cơn đau dữ dội hơn khi vận động, không thể tiếp tục duy trì công việc. Nếu bệnh xảy ra ở vùng cổ, người bệnh có thể đau nửa đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ. Khi kèm theo thoát vị đĩa đệm vùng cổ, các rễ thần kinh bị chèn ép, gây đau, tê lan xuống vai, cánh cẳng tay, về lâu dài, người bệnh có thể gặp biến chứng vẹo, gù cột sống, yếu cơ, teo cơ ở tay hoặc chân... Gai cột sống còn có thể dẫn đến một số biến chứng khác như rối loạn huyết áp, rối loạn tiền đình...
Bác sĩ Tri cho biết gai cột sống là bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm hoặc điều trị sai cách có thể làm suy giảm khả năng vận động của người bệnh, tàn phế.
Gai cột sống phát hiện càng sớm thì khả năng chữa khỏi càng cao. Bác sĩ Tri khuyến cáo những người từ 30 tuổi trở lên nên kiểm tra cột sống định kỳ để phát hiện bệnh sớm nếu có. Nên sinh hoạt lành mạnh, thường xuyên tập thể dục thể thao phù hợp với thể trạng, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường sức mạnh cho cột sống và đĩa đệm.