Hotline:24/7(Zalo call): 036 385 7742(Mr Hải) 

1-0x400 2-0x400 4-0x400 5-0x400 11 2 3-0x400 4 5
Trang chủ»Tin tức»Bác sĩ Việt đầu tiên được Hội Đột quỵ thế giới vinh danh

Bác sĩ Việt đầu tiên được Hội Đột quỵ thế giới vinh danh

Bác sĩ Việt đầu tiên được Hội Đột quỵ thế giới vinh danh
Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng là một trong 6 bác sĩ trên thế giới được trao giải cống hiến dành cho cá nhân hoạt động xuất sắc trong chuyên ngành đột quỵ, năm 2021.

Đây là giải thưởng hàng năm của Hội Đột quỵ thế giới với ba hạng mục, gồm giải dành cho nhà lãnh đạo xuất sắc; giải các nghiên cứu viên xuất sắc; giải cống hiến cho cá nhân đã có hoạt động xuất sắc trong chuyên ngành đột quỵ, tạo ảnh hưởng và mang lại nhiều lợi ích trong cộng đồng. Trong đó, giải cống hiến mỗi năm được trao cho 5-6 cá nhân xuất sắc.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng là đại diện đầu tiên của Việt Nam cũng như Đông Nam Á được vinh danh. 5 cá nhân khác đoạt giải cống hiến năm nay đến từ Brazil, Ấn Độ, Chile, Mexico và Ai Cập.

"Đây là vinh dự rất lớn cho bản thân tôi, đồng thời thể hiện sự ghi nhận của thế giới dành cho những nỗ lực của chuyên ngành đột quỵ và y tế Việt Nam", bác sĩ Thắng chia sẻ, sáng 9/11.

Xuất thân chuyên khoa nội thần kinh, bác sĩ Thắng là một trong những người đi đầu trong lĩnh vực điều trị đột quỵ Việt Nam. Hiện, anh là Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP HCM).
So với các chuyên ngành khác, ngành điều trị đột quỵ ra đời muộn hơn. Cách đây 25 năm, y học thế giới hầu như "đầu hàng" với đột quỵ vì không có biện pháp nào được xem là hữu hiệu làm giảm sự phá hủy tế bào não. Hiện, đột quỵ là bệnh chữa được với nhiều kỹ thuật tiến bộ, song đòi hỏi bệnh nhân đến viện sớm trong "giờ vàng", các bác sĩ chạy đua với thời gian cứu những tế bào chưa chết. Đến nay, đột quỵ vẫn là nguyên nhân gây tử vong, tàn phế hàng đầu thế giới.

Ở Việt Nam, đơn vị đột quỵ đầu tiên được thành lập cách đây 15 năm tại Bệnh viện Nhân dân 115, nơi bác sĩ Thắng công tác. Thời điểm đó, anh mang nhiều kiến thức "lần đầu được biết về đột quỵ" sau một năm học tại Đại học Quốc gia Singapore, đặc biệt là những kinh nghiệm sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch về áp dụng ở Việt Nam. Với kỹ thuật này, bác sĩ đã chứng kiến nhiều ca được cứu sống thành công bất ngờ. Nhiều bệnh nhân đang yếu, liệt nửa người, ngay sau khi dùng thuốc đã cử động được tay chân, hồi phục sức khỏe, trở về cuộc sống bình thường.

Nhận thấy nhu cầu điều trị bệnh nhân quá lớn trong khi y học Việt Nam chưa biết nhiều đến lĩnh vực này, bác sĩ Thắng tiếp tục xin học bổng sang Mỹ hai năm. Khi học tại Singapore anh được "bao" cả chi phí ăn ở hàng tháng, thì ở Mỹ anh được miễn phí tiền học và phải tự trang trải các khoản còn lại. Năm 2007, tuổi 37, anh quyết định bán mảnh đất tại quận 8 - công sức tích góp nhiều năm của hai vợ chồng, để đi học.

"Không ít người bảo tôi điên, táo bạo, nhưng tôi không hề phân vân. Đó là một trong những quyết định sáng suốt nhất trong sự nghiệp, bởi nó gần như thay đổi toàn bộ cuộc đời và là bước ngoặt giúp tôi thêm gắn bó, đam mê lĩnh vực đột quỵ", bác sĩ Thắng chia sẻ. Anh cho rằng mình may mắn vì không phải quá chật vật kinh tế, được ở nhà của bố mẹ, được lãnh đạo bệnh viện tạo điều kiện cho đi học liên tiếp nhiều năm.

Cách tiếp cận của bác sĩ trên bệnh nhân đột quỵ ở những nước phát triển gần như mới hoàn toàn so với Việt Nam. Từ Mỹ, anh mang kỹ thuật can thiệp nội mạch trong điều trị đột quỵ về Việt Nam, thực hiện những ca đầu tiên năm 2008. Sau đó, anh và đồng nghiệp dần làm chủ những kỹ thuật tiến bộ nhất đang được sử dụng trên thế giới, từng bước xây dựng trung tâm đột quỵ lớn nhất cả nước. Những năm gần đây, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận hơn 20.000 bệnh nhân đột quỵ mỗi năm, chiếm 1/10 số bệnh nhân đột quỵ cả nước.

Bên cạnh thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch sử dụng trong 4,5 giờ kể từ khi khởi phát đột quỵ (còn gọi là giờ vàng), các bác sĩ đã sử dụng dụng cụ can thiệp lấy huyết khối, đặt stent tái thông dòng máu, mở rộng "thời gian vàng" lên 6-8 giờ. Gần đây, với sự trợ giúp của phần mềm RAPID (ứng dụng trí tuệ nhân tạo), thời gian cứu não có thể lên đến 24 giờ.

Chứng kiến nhiều bệnh nhân đột quỵ hồi phục ngoạn mục nhờ những kỹ thuật mới, thay vì bất lực chấp nhận cảnh "trời kêu ai nấy dạ" như trước, bác sĩ Thắng thêm quyết tâm học hỏi và ứng dụng điều trị, bởi vấn đề quan trọng của bệnh lý này là cấp cứu và điều trị trong những giờ đầu tiên sau khởi phát. Điều này đồng nghĩa cần có một mạng lưới điều trị đột quỵ rộng khắp trên cả nước, bệnh nhân mới tăng cơ hội được tiếp cận kịp thời. Nếu chỉ một vài nơi làm tốt, số người được cứu chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Xuất phát từ nỗi trăn trở đó, anh hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật điều trị đột quỵ từ Nam ra Bắc. Những ngày cuối tuần, thay vì nghỉ ngơi, anh đến các bệnh viện lớn nhỏ trên cả nước, báo cáo, chủ trì nhiều hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm. Từ năm 2017, Chương trình Angels (chương trình với mục tiêu phát triển mạng lưới điều trị đột quỵ ở nhiều quốc gia, thiết lập các khóa huấn luyện, cung cấp tài liệu chính thống của Hội Đột quỵ thế giới) ra đời, anh có nhiều cơ hội góp sức phát triển các trung tâm đột quỵ khắp cả nước. Tổ chức này cũng là nơi ghi nhận các hoạt động và nỗ lực của bác sĩ Thắng trong việc phát triển mạng lưới đột quỵ ở Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam có hơn 100 đơn vị đột quỵ, chất lượng điều trị ngày càng nâng cao, góp phần hồi sinh cuộc đời nhiều bệnh nhân. Sau khi Bệnh viện Nhân dân 115 là đơn vị đầu tiên cả nước được Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) trao chứng nhận Vàng, Bạch kim và cao nhất là chứng nhận Kim cương; 21 trung tâm khác trong cả nước đã vượt qua các tiêu chí gắt gao để đạt được các chứng nhận này.

Khi tham gia "sân chơi" này, các trung tâm đột quỵ phải luôn nỗ lực điều trị và chuẩn hóa theo tiêu chuẩn toàn cầu, luôn cải thiện các quy trình để người bệnh được điều trị nhanh nhất, tốt nhất, không bỏ lỡ từng phút, từng giây quý giá. Năm 2019, thời gian trung bình tính từ khi bệnh nhân vào viện đến khi điều trị tại các trung tâm Việt Nam là 43 phút, đến năm 2020 thời gian này giảm còn 36 phút.

"Các trung tâm được xem là vũ khí lợi hại nhất, hữu hiệu nhất để giảm gánh nặng tử vong, tàn phế của bệnh nhân đột quỵ. Càng nhiều trung tâm ra đời, cục diện trong điều trị bệnh này càng thay đổi tích cực", bác sĩ Thắng nói.
Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam nhận định, rào cản lớn nhất hiện nay trong mở rộng các trung tâm là thiếu hụt nhân sự điều trị đột quỵ. Bác sĩ phải được đào tạo chuyên khoa nội thần kinh ít nhất hai năm, sau đó học thêm về đột quỵ ít nhất một năm mới có thể đảm nhận tốt trọng trách điều trị. Trong khi đó, một trung tâm đột quỵ phải duy trì hoạt động 24/7, nhân lực phải dày để luân phiên các tua trực mới, đảm bảo cấp cứu bệnh nhân trong mọi khung giờ. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh chỉ có một vài bác sĩ chuyên nội thần kinh, không đủ người để cắt cử chuyên trách lĩnh vực đột quỵ. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ở hầu hết cơ sở vẫn còn rất thiếu thốn.

Đặc thù chữa trị đột quỵ đòi hỏi bác sĩ phải luôn sẵn sàng trong tư thế chạy đua với thời gian để cứu não bệnh nhân, bởi mỗi phút trôi qua có khoảng hai triệu tế bào não chết đi mà không hồi phục. Đặc biệt, bác sĩ phải quyết đoán, ra quyết định y lệnh chính xác trong vòng vài phút, nhất là khi các quyết định này có tính rủi ro rất cao và đối diện với nhiều nguy cơ. Do đó, ngoài nắm chắc chuyên môn, bác sĩ phải nuôi dưỡng đam mê, nỗ lực học hỏi không ngừng mới có thể theo đuổi lâu dài chuyên ngành này.

Với bác sĩ Thắng, điều trị bệnh nhân đột quỵ nhiều vất vả, căng thẳng, áp lực nhưng cũng đem đến những cảm giác khó tả. Có bệnh nhân vào viện liệt người, ú ớ, sau khi bác sĩ xử trí kịp thời, người bệnh đã hồi phục ngoạn mục, cử động tay chân, đi lại vững vàng, đặc biệt là những người tuổi còn rất trẻ, hoặc cả đồng nghiệp ngành y. Cũng có không ít những phút giây bất lực, đau lòng trước ca thất bại, đối mặt những cuộc kiện tụng kéo dài của thân nhân người bệnh.

"Hơn 100 trung tâm điều trị trên toàn quốc là con số lớn, tốc độ phát triển khá nhanh nhưng chưa đủ, bởi hầu hết tỉnh chỉ có một trung tâm thì không thể đáp ứng đủ nhu cầu người bệnh", bác sĩ Thắng nói. Anh vẫn nỗ lực không ngừng để mở rộng thêm nhiều cơ sở chuyên khoa, giúp người đột quỵ được tiếp cận điều trị nhanh nhất, tốt nhất.

Liên hệ

Địa Chỉ công ty Tại Bhutan: Norzin Lam 676, Thimphu, Bhutan

Đại diện tại Hà Nội: 61 Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội
Hotlines 24/7: 0363857742 (Viber và Zalo)
Email: dongtrunghathaobhutan123@gmail.com
Website: https://dongtrunghathaomatdobhutan.com

Bản đồ

Thiết Kế Bởi Công Ty Web Hoàng Gia Bhutan