Bệnh dai dẳng do nhiễm vi khuẩn siêu kháng thuốc
Hà NộiBệnh nhân nữ, 60 tuổi, đau đầu vùng hốc mắt, chảy mũi nhiều, ù tai, được chẩn đoán viêm mũi xoang cấp, song điều trị hai đợt kháng sinh không khỏi.
Khi khám tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec, bệnh nhân được nội soi tai mũi họng và cấy mủ đánh giá chính xác căn nguyên nhiễm trùng. Kết quả, người bệnh mắc viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn tụ cầu Staphylococcus gây ra.
Bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm kháng sinh đồ, giúp xác định chính xác mức độ nhạy cảm của các loại kháng sinh với vi khuẩn, từ đó đưa phác đồ điều trị phù hợp. Sau một tuần sử dụng kháng sinh mới, bệnh nhân ổn định, khỏi bệnh.
Ngày 25/7, bác sĩ Nguyễn Đình Hiệp, chuyên khoa Tai mũi họng, lý giải nguyên nhân thất bại của hai lần điều trị trước là vi khuẩn tụ cầu mà bệnh nhân nhiễm kháng kháng sinh. Do đó, nếu bác sĩ không tìm ra loại kháng sinh phù hợp, sẽ khiến bệnh nhân không đáp ứng thuốc, bệnh diễn tiến nặng hơn.
Vi khuẩn tụ cầu Staphylococcus là một trong những tác nhân gây nhiễm trùng ở người. Nó có ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên, đặc biệt vào mùa hè khi thời tiết nóng ẩm. Thông thường, tụ cầu vẫn xuất hiện trên cơ thể người (chủ yếu trên da) nhưng không gây bệnh, hoặc chỉ nhiễm trùng da nhẹ. Tuy nhiên, khi vi khuẩn xâm nhập sâu hơn vào máu, khớp, phổi hay tim có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, gây nguy hiểm tính mạng.
Hiện có khoảng 32 loài tụ cầu, trong đó tụ cầu vàng là loài phổ biến nhất, thường ký sinh ở da, mũi họng và gây bệnh cho những người bị suy giảm sức đề kháng. Đặc biệt, hầu hết tụ cầu vàng đều đề kháng với nhiều loại kháng sinh khác nhau, được gọi vi khuẩn siêu kháng thuốc, gây khó khăn trong điều trị.
Việt Nam đứng thứ 11 trên toàn cầu về tiêu thụ thuốc kháng sinh, 71% sử dụng cho vật nuôi, 28% cho người. Trong đó, 1/3 số kháng sinh sử dụng ở Việt Nam được cho là không phù hợp. Điều này có thể dẫn đến tỷ lệ kháng thuốc cao ở nhiều tác nhân gây bệnh, gồm lao, phế cầu, vi khuẩn gram âm, sốt rét.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy Việt Nam thuộc nhóm các nước có tình trạng kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới. Khi vi khuẩn trở nên kháng thuốc, kháng sinh sẽ mất tác dụng. Đến năm 2050, tình trạng kháng kháng sinh ảnh hưởng đến 10 triệu người mỗi năm, gây thiệt hại 100 triệu USD.