Bị đái tháo đường nên ăn bao nhiêu quả nho mỗi ngày?
Tôi mắc bệnh đái tháo đường type 2, ăn quả nho mỗi ngày có làm tăng đường huyết không, cần lưu ý gì? (Thanh Phong, TP HCM)
Trả lời:
100 g nho có thể chứa 17-23 g đường, chỉ số đường huyết (GI) 45-59, tải lượng đường huyết (GL) 5,4-11, thuộc nhóm thực phẩm có GI và GL thấp đến trung bình. Tuy nhiên, mỗi giống nho, mức độ chín, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, quy trình trồng, công nghệ bảo quản sau thu hoạch khiến hàm lượng đường trong nho khác nhau. Điều này cũng làm cho chỉ số GI và GL trong mỗi loại nho khác biệt.
Người bệnh đái tháo đường như bạn có thể ăn nho, nhưng cần giới hạn số lượng để tổng tải lượng đường huyết (GL) không vượt quá 20. Nếu trong một ngày bạn chỉ ăn nho là thực phẩm duy nhất chứa carbohydrate thì có thể ăn tối đa 180-370 g mỗi lần, tùy theo chỉ số GI và GL trong mỗi loại. Trường hợp bạn ăn nho cùng thực phẩm khác chứa carbohydrate hoặc ăn nho trong bữa ăn phụ thì tối đa 4 trái nho mỗi lần.
Mỗi người bệnh có cơ địa, mức độ hấp thu, tình trạng đường huyết và bệnh nền khác nhau. Để đảm bảo sức khỏe, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa nội tiết - đái tháo đường hoặc dinh dưỡng khi bổ sung thực phẩm này vào chế độ ăn.
Ăn nho với hàm lượng vừa phải mang đến lợi ích cho sức khỏe của người bệnh đái tháo đường. Trái cây này cung cấp nhiều hợp chất chống oxy hóa có lợi, có khả năng làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh, đồng thời hỗ trợ dự phòng sớm các biến chứng.
Chất anthocyanin trong nho có khả năng kích hoạt chuyển hóa AMPK (AMP-activated protein kinase) ở tế bào. Khi AMPK được kích hoạt, nó thúc đẩy tế bào tăng cường hấp thụ glucose từ hệ tuần hoàn. Điều này giúp cải thiện mức độ đáp ứng của tế bào đối với insulin - hormone giúp điều hòa đường huyết, hỗ trợ làm chậm tiến triển của bệnh đái tháo đường type 2.
Nho chứa nhiều chất resveratrol có khả năng cải thiện chức năng mạch máu bằng cách kích thích tế bào nội mạc tăng cường tổng hợp NO - một chất có tác dụng làm giãn mạch, hạ huyết áp. Nhờ đó, người bệnh đái tháo đường có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Người bệnh ăn nho quá nhiều hoặc vượt quá giới hạn an toàn, có thể khiến đường huyết sau ăn tăng cao, nguy cơ biến chứng, tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa, với biểu hiện điển hình như tiêu chảy, ợ chua, đau dạ dày. Chất resveratrol trong nho có thể làm giảm tác dụng của thuốc chống đông máu. Nho chứa nhiều axit và chất xơ tồn tại dưới dạng vitamin và chất chống oxy hóa.
Để kiểm soát bệnh đái tháo đường, bạn cần uống thuốc theo toa, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ điều trị, thường xuyên kiểm soát đường huyết. Uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày, tuân thủ chế độ ăn kiêng, kiểm soát cân nặng hợp lý.
Bổ sung tinh chất thiên nhiên như GDL-5 (chiết xuất từ phấn mía Nam Mỹ) góp phần giảm lượng cholesterol toàn phần, hạn chế nguy cơ hình thành xơ vữa động mạch. Từ đó, người bệnh giảm nguy cơ biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra.
Bạn nên đi khám dinh dưỡng, có thể đo thành phần cơ thể bằng máy InBody 770, xét nghiệm vi chất chuyên sâu bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC để biết cơ thể đang thiếu, thừa chất nào. Bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn uống phù hợp, góp phần quản lý tốt đường huyết, cân nặng.