Bị tiểu đường có thụ tinh ống nghiệm được không?
Vợ chồng tôi mắc bệnh tiểu đường type 2, hiếm muộn 4 năm, có thể thụ tinh ống nghiệm được không? (Hòa, 32 tuổi, Hòa Bình)
Trả lời:
Bệnh tiểu đường type 2 không được quản lý tốt có thể tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản ở cả nam và nữ. Người bệnh tiểu đường thường kèm theo béo phì, rối loạn chuyển hóa, rối loạn nội tiết. Tình trạng này ở nam giới có thể gây rối loạn cương dương, xuất tinh ngược hoặc chậm, giảm nồng độ hormone testosterone và ham muốn tình dục. Số lượng và chất lượng tinh trùng hạn chế do số lượng tinh trùng dị dạng hoặc bất thường tăng, tăng nguy cơ sinh con dị tật.
Ở nữ giới, gián đoạn nội tiết dẫn đến kinh nguyệt không đều, gây rối loạn quá trình phát triển của trứng và phóng noãn (rụng trứng), khó thụ thai. Lo lắng, căng thẳng khi mắc bệnh tiểu đường cũng làm giảm ham muốn tình dục, âm đạo khô hạn, gây đau khi quan hệ. Các vấn đề như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), suy giáp cũng có liên quan đến bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng trứng, giảm khả năng thụ thai tự nhiên.
Nếu có thể mang thai, phụ nữ vẫn có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Lúc này mẹ và bé có nguy cơ cao tai biến sản khoa như sảy thai, lưu thai, đa ối, thai to, tăng nguy cơ sinh non. Ngay sau sinh, trẻ có thể gặp vấn đề hô hấp, hạ đường huyết.
Vợ chồng bạn nên đi khám để được đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể và tư vấn điều trị phù hợp. Nếu có bệnh nền tiểu đường mà không có vấn đề di truyền, bệnh lý tử cung buồng trứng, các vấn đề về tinh trùng, hai bạn vẫn có thể thụ thai tự nhiên khi kiểm soát tốt đường máu.
Bạn nên duy trì kiểm tra đường máu hàng ngày, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ nội tiết, cải thiện lối sống, chế độ ăn uống, vận động. Mức đường huyết lý tưởng trước khi mang thai là HbA1c dưới 6%, đường huyết lúc đói dưới 95 mg/dL.
Người khó mang thai tự nhiên hoặc mắc tiểu đường do di truyền, có thể thực hiện các phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản như thụ tinh ống nghiệm (IVF). Thuốc được sử dụng để kích thích buồng trứng không làm thay đổi nồng độ glucose trong máu. Các vấn đề về kiểm soát chuyển hóa thường không phát sinh trong quá trình điều trị.
Nhiều nghiên cứu cho thấy bố hoặc mẹ bị bệnh tiểu đường type 2, trẻ sinh ra có khả năng mắc bệnh khoảng 15%. Nếu cả bố và mẹ bệnh tiểu đường, khả năng con mắc bệnh tăng lên 75%. Trường hợp vợ chồng bạn cùng mắc tiểu đường do bất thường di truyền, khi thực hiện IVF có thể sàng lọc phôi tiền làm tổ PGT-M, giúp giảm khả năng sinh con mắc bệnh.
Khi chuyển phôi, bạn nên chuyển một phôi để giảm khả năng đa thai, tránh những nguy cơ sức khỏe có thể xảy ra như sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân, dễ suy hô hấp, nhiễm trùng, vàng da, mắc các bệnh lý về mắt. Thai phụ dễ tăng đường huyết trở lại, tăng huyết áp, tiền sản giật, sản giật...
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy nữ giới trẻ tuổi bị tiểu đường có nguy cơ lão hóa buồng trứng, tốc độ mãn kinh sớm hơn so với người cùng độ tuổi không mắc bệnh, rút ngắn thời gian sinh sản. Bạn có thể cân nhắc trữ đông trứng để sinh thêm con sau này bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.
Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVF Tâm Anh) Hà Nội, bệnh nhân được bác sĩ nội tiết, sản và dinh dưỡng theo dõi chặt chẽ lượng glucose, tư vấn về lối sống, chế độ dinh dưỡng, thuốc sử dụng để kiểm soát đường máu. Nhờ đó, người bệnh có cơ hội mang thai thành công cao, thai kỳ khỏe mạnh, sinh con an toàn.