Các bệnh mùa mưa nguy hiểm cho thai phụ
Mưa ẩm khiến virus cúm, sởi, sốt xuất huyết phát triển mạnh, thai phụ nhiễm bệnh dễ trở nặng thành biến chứng viêm phổi, sảy thai.
Bác sĩ Bùi Công Sự, Quản lý Y khoa vùng 3 - miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên trong bối cảnh toàn quốc mưa nhiều, bão đổ bộ gây lũ lụt ở miền Bắc. Thai phụ có hệ miễn dịch suy yếu tự nhiên, nguy cơ cao mắc nhiều loại bệnh. Trong đó có 4 căn bệnh được bác sĩ Bùi Công Sự lưu ý dưới đây.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết do 4 type virus Dengue gây ra. Miễn dịch với một type virus không giúp phòng ngừa các nhóm còn lại. Cao điểm bệnh sốt xuất huyết thường vào tháng 7-11 hàng năm, thời điểm muỗi sinh sản nhiều.
Thai phụ mắc sốt xuất huyết có thể sốt cao trong những ngày đầu. Nhiệt độ cơ thể tăng quá cao dẫn đến nhịp tim thai đập nhanh, nguy cơ thai chết lưu. Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, có khả năng tiểu cầu máu giảm gây chảy máu và cô đặc máu, ảnh hưởng sức khỏe mẹ và thai nhi. Ba tháng cuối thai kỳ, nếu chuyển dạ khi tiểu cầu máu thấp, thai phụ tăng nguy cơ băng huyết.
Cách phòng bệnh là giữ môi trường sống sạch sẽ, ngủ màn, không để nước đọng tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi. Hiện vaccine sốt xuất huyết đã được Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 5 và dự kiến được Hệ thống tiêm chủng VNVC triển khai tiêm trong thời gian tới. Vaccine sốt xuất huyết không chỉ định cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Phụ nữ nên hoàn thành hai mũi tiêm tốt nhất 3 tháng trước khi mang thai.
Sởi và rubella
Mẹ bầu mắc sởi tăng nguy cơ bội nhiễm, viêm phổi, viêm đường tiết niệu, thai nhi chậm phát triển, sinh non. Hiện TP HCM đã ghi nhận dịch sởi, thai phụ dễ mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch.
Tương tự với sởi, thai phụ mắc rubella tăng nguy cơ sảy thai hoặc thai lưu. Em bé chào đời có khả năng dị tật hoặc chậm phát triển trí tuệ. Bệnh rubella chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó cần chủ động tiêm phòng vaccine.
Hiện Việt Nam có mũi tiêm phòng sởi, rubella và quai bị trong cùng một mũi tiêm gồm vaccine MMR II (MSD - Mỹ) và Priorix (GSK - Bỉ). Phụ nữ nên tiêm vaccine sởi - quai bị - rubella ba tháng trước khi mang thai, phác đồ hai mũi cách nhau một tháng.
Cúm
Thai phụ mắc cúm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non. Trẻ sinh ra có thể bị dị tật bẩm sinh như hở van tim, hở hàm ếch hoặc các khuyết tật khác. Nếu người mẹ nhiễm cúm trong 5 tháng đầu thai kỳ, em bé chào đời tăng nguy cơ mắc bệnh lý về rối loạn tâm thần.
Tiêm vaccine cúm là phương pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Mũi tiêm có thể giảm 50% nguy cơ nhiễm trùng hô hấp cấp tính và 27% tỷ lệ sinh non.
Chủng ngừa vào ba tháng giữa hoặc cuối thai kỳ, người mẹ sẽ có kháng thể để truyền sang thai nhi, bảo vệ em bé trong 6 tháng đầu đời. Vaccine ngừa cúm hiện có hai loại, gồm: Vaxigrip Tetra (Pháp) và Influvac Tetra (Hà Lan).
Viêm phổi
Thời tiết mưa ẩm, lạnh có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi ở thai phụ. Triệu chứng bệnh giống với cảm lạnh hoặc cúm mùa, dễ nhầm lẫn và khó chẩn đoán. Thai phụ mắc viêm phổi có thể gây ra nhiều biến chứng như sinh non, sảy thai, suy hô hấp cấp, nhiễm trùng máu, tràn dịch màng phổi hoặc áp xe phổi.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi như nấm, hóa chất, vi khuẩn phế cầu, ho gà, virus sởi, cúm, thủy đậu. Nhiều tác nhân đã có vaccine phòng ngừa. Ngoài ra, tình trạng thiếu máu, hen suyễn và môi trường nhiều khói thuốc lá cũng tăng nguy cơ mắc viêm phổi.
Để phòng bệnh, trước mang thai, phụ nữ nên hoàn tất các mũi tiêm phế cầu 23, 13, cúm, sởi - quai bị - rubella, thủy đậu. Trong thai kỳ nên bổ sung một mũi vaccine cúm và bạch hầu - ho gà - uốn ván.
Ngoài tiêm các loại vaccine kể trên, thai phụ có thể tăng đề kháng bằng cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi ở nơi đông người, giữ ấm mũi, họng, cổ, ngực khi ra ngoài trong thời tiết mưa gió.a