Các món nên ăn và tránh khi nhiệt miệng
Người bệnh nhiệt miệng nên ưu tiên sữa, trứng, cơm trắng mềm, sinh tố, thay vì ăn các món dễ gây kích ứng vết loét như khoai tây, bánh mì giòn, cam quýt.
Nhiệt miệng là các vết loét màu trắng trong niêm mạc miệng, họng. Các vết loét gây đau đớn, khó khi ăn, nhai, nói và nuốt. Thông thường nhiệt miệng tự khỏi mà không cần điều trị. Một số thực phẩm có thể góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi hoặc làm nặng thêm vết loét.
Thực phẩm nên ăn
Người bệnh nhiệt miệng nên ưu tiên các món như trứng luộc hoặc hấp, cá ngừ, thịt hầm, mì ống, cơm trắng nấu kỹ. Chọn rau củ như khoai tây, khoai lang, đậu Hà Lan, cà rốt, rau bina nấu thật mềm để dễ nuốt. Các món như đậu hũ, sữa và các sản phẩm từ sữa, bột yến mạch, bánh xèo, súp cũng nên ưu tiên trong giai đoạn này.
Người bệnh cần tăng cường trái cây để bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể, hỗ trợ hệ miễn dịch, thúc đẩy quá trình lành thương. Một số trái cây mềm, nhiều nước nên ăn như chuối, dưa hấu, đu đủ, dưa vàng, xoài...
Các món giải khát, tráng miệng có thể ăn khi bị nhiệt miệng như thạch rau câu, bánh pudding, trà không chứa caffeine, sinh tố, nước trái cây không có tính axit chẳng hạn nước ép táo. Mật ong cũng phát huy tác dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị viêm loét miệng.
Thực phẩm cần tránh
Một số thực phẩm có thể khiến vết loét miệng nặng thêm và cơn đau trầm trọng hơn. Các loại cần tránh như thịt dai, rau sống, bánh mì giòn, khoai tây chiên, ngũ cốc khô. Thực phẩm có vị chua hoặc có tính axit, bao gồm cà chua và trái cây họ cam quýt cũng hạn chế.
Người bệnh nhiệt miệng không nên ăn thức ăn mặn và cay, hạn chế quả hạch hoặc các loại hạt vì dễ kích ứng vết loét. Trái cây cứng như táo, mận, cóc, ổi, dâu tây, có thể ảnh hưởng đến vết loét, làm tăng tình trạng đau. Thực phẩm nóng bao gồm súp và đồ uống nóng, đồ uống chứa caffein như cà phê, trà đen và coca cần cắt giảm.
Bên cạnh chọn thực phẩm, cách ăn uống cũng hỗ trợ giảm đau, lành thương nhanh. Người bị nhiệt miệng nên ăn các bữa nhỏ thay vì ba bữa lớn để giảm căng thẳng cho miệng. Cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ nhằm giảm động tác nhai. Ăn các món mềm, xay nhuyễn, chế biến nhiều sốt giúp dễ nuốt hơn.
Người bệnh có thể dùng ống hút để tránh thức uống tiếp xúc với vết loét miệng. Thời gian này, người bệnh phải bỏ rượu bia, không hút thuốc lá nhằm tránh bệnh trầm trọng hơn. Súc miệng bằng nước muối, uống nhiều nước thúc đẩy vết loét nhanh lành.