Chỉ số BMI bình thường nhưng bụng to có nguy hiểm?
Chỉ số BMI của tôi 22 nhưng bụng nhiều mỡ, vòng bụng khoảng 85 cm. Tôi có cần giảm cân không khi BMI vẫn trong ngưỡng bình thường?
Tình trạng này có nguy hiểm không? (Ngọc Mai, Hà Nội)
Trả lời:
Nhiều người thường chỉ quan tâm đến chỉ số khối cơ thể là BMI mà bỏ qua chỉ số đánh giá lượng mỡ tích tụ trong cơ thể. Trên thực tế, BMI bình thường không có nghĩa cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Chỉ số này chỉ dựa trên chiều cao và cân nặng nên không phản ánh được tỷ lệ mỡ và sự phân bố mỡ trong cơ thể.
Bạn có chỉ số BMI 22 (ngưỡng bình thường) nhưng vòng bụng 85 cm có thể cho thấy cơ thể đang thừa mỡ nội tạng. Bởi triệu chứng phổ biến của người thừa mỡ nội tạng là vòng eo to, bụng phệ. Nữ giới có vòng eo hơn 80 cm có nguy cơ lượng mỡ nội tạng cao.
Người có thể có BMI bình thường (18,5-22,9) nhưng cơ thể tích mỡ theo vùng, thường là vùng bụng, được y học gọi là "skinny fat" hoặc "béo phì có cân nặng bình thường" (normal weight obesity - NWO). Người bệnh vẫn có nguy cơ gặp các biến chứng sức khỏe do béo phì.
Quá nhiều mỡ nội tạng (trên 100 cm2) có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, viêm gan, ung thư gan, đột quỵ... Để xác định tình trạng mỡ nội tạng, bạn nên đến bệnh viện khám. Hiện, máy phân tích thành phần cơ thể InBody là biện pháp đơn giản giúp xác định chính xác tỷ lệ mỡ nội tạng trong cơ thể. Từ đó, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị giảm mỡ hiệu quả cho người bệnh.