Hẹp eo họng, người đàn ông thường ngạt thở khi ngủ
TP HCMAnh Tùng, 34 tuổi, ngủ ngáy, thức giấc nhiều lần do khó thở, bác sĩ khám phát hiện amidan sưng to kèm hẹp eo họng gây áp lực lên đường thở.
Anh Tùng đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám do tần suất ngạt thở, thức giấc giữa đêm dày hơn, thường xuyên mệt mỏi, miệng khô, đau họng. Kết quả nội soi ghi nhận viêm amidan quá phát độ 4 (viêm amidan tái phát khiến amidan sưng to), hẹp eo họng. Đây là phần phía sau của họng bao gồm màn khẩu cái mềm, lưỡi gà, amidan, đáy lưỡi.
Ngày 10/11, ThS.BS.CKI Phạm Thị Phương, Trung tâm Tai Mũi Họng, cho biết hẹp eo họng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Tình trạng này làm gia tăng áp lực lên đường thở, thời gian dài khiến thành họng phù nề, gây viêm mũi họng, viêm amidan thường xuyên, ngủ ngáy. Người bệnh béo phì, giao tiếp nhiều, uống rượu bia khiến triệu chứng tăng nặng.
Bác sĩ đo đa ký giấc ngủ cho anh Tùng để theo dõi cấu trúc giấc ngủ, giúp phát hiện các rối loạn như mất ngủ, ngưng thở khi ngủ, cử động bất thường khi ngủ... Kết quả cho thấy chỉ số AHI (chỉ số ngưng thở - giảm thở trong một giờ) lớn hơn 15, phân loại ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn mức độ trung bình.
Người bệnh được phẫu thuật cắt amidan và chỉnh hình họng màn hầu lưỡi gà cùng lúc. Bác sĩ cắt một phần khẩu cái mềm kèm lưỡi gà và cắt bỏ niêm mạc thừa ngay bên thành họng ở trụ sau amidan, giúp mở rộng kích thước đường hô hấp trên.
Sau mổ, anh dễ thở khi nằm, uống nước không sặc, vết mổ lành nhanh, bớt ngủ ngáy và không còn tình trạng ngạt thở khi ngủ.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn phổ biến ở nam hơn nữ, người béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, suy tim, đột quỵ.
Theo bác sĩ Phương, ngưng thở khi ngủ có xu hướng gia tăng nhưng đa số không được chẩn đoán và điều trị. Triệu chứng thường gặp như khó thở, ngạt thở về đêm, buồn ngủ và mệt mỏi vào ban ngày, ngủ ngáy, đau họng, khô họng, kém tập trung, rối loạn nhịp tim...
Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Người bệnh cần thay đổi lối sống như giảm cân, điều chỉnh tư thế ngủ, chế độ ăn, không uống rượu bia, chất kích thích... nhằm kiểm soát triệu chứng.
Tùy thuộc vào mức độ tắc nghẽn và mong muốn của bệnh nhân, bác sĩ chỉ định các biện pháp điều trị không xâm lấn hoặc phẫu thuật (bao gồm phẫu thuật điều trị tắc mũi, phẫu thuật chỉnh hình họng - màn hầu - lưỡi gà, phẫu thuật xương hàm, đốt sóng cao tần...). Thông thường phối hợp đa phương pháp mang lại kết quả tốt hơn.
Điều trị làm giảm các cơn ngưng thở, khó thở khi ngủ, giúp giấc ngủ được liền mạch và sâu hơn. Sau phẫu thuật, người bệnh nên ăn món mềm, lỏng, nguội; tránh đồ chua cay, nóng, cứng; nói chuyện nhẹ nhàng và hạn chế vận động mạnh.
Bác sĩ Phương khuyến nghị người bệnh nên chọn các cơ sở y tế uy tín để tránh các biến chứng có thể xảy ra như vết cắt eo họng quá rộng khiến màn hầu bị kéo căng, gây nuốt sặc, nuốt vướng.