'Khó khuyến sinh nếu doanh nghiệp bực khi nhân viên nghỉ đẻ'
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu doanh nghiệp không vào cuộc thúc đẩy khuyến sinh, tỷ lệ đẻ sẽ ngày càng suy giảm, kéo theo nhiều hệ lụy. "Nếu chủ doanh nghiệp chỉ nhìn thấy tiền, thấy nhân viên nghỉ thai sản ở nhà là bực mình thì làm sao khuyến sinh được, ai dám sinh đủ hai con", GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên bí thư Thành ủy TP HCM, nói tại hội thảo khoa học Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn, ngày 15/10. Hiện, pháp luật về lao động không có quy định nào cho phép người sử dụng lao động (doanh nghiệp) được đặt điều kiện lao động nữ không được mang thai trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người phản ánh có "luật ngầm" cấm nhân viên nữ mang thai trong thời gian đầu vào làm việc. Khảo sát của VnExpress năm 2022 trên 315 độc giả, ghi nhận 50% ý kiến trên. Có trường hợp, khi ký hợp đồng lao động, công ty có nói miệng "trong năm làm việc đầu tiên không được có thai, nếu có cũng không được hưởng chế độ thai sản". Đây là một trong nguyên nhân dẫn đến nhiều người dân trì hoãn việc sinh đẻ, theo các chuyên gia. Mặt khác, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống Xã hội, cho rằng một trong nguyên nhân khiến người dân không dám sinh con là phải dành quá nhiều thời gian cho công việc. "Có những công nhân tâm sự rằng doanh nghiệp mua luôn ngày nghỉ của em rồi", ông Lộc nói. Bên cạnh các lý do trên, chi phí cuộc sống cao khi có con so với thu nhập, đặc biệt giá nhà, giáo dục, y tế; thiếu nhà trẻ, nhất là nhà trẻ công lập chi phí vừa phải... cũng là nguyên nhân khiến nhiều người ngại đẻ. Sự không chia sẻ đúng mức của chồng trong việc nhà và chăm sóc các con. Trình độ văn hóa và phát triển nghề nghiệp của phụ nữ tăng, các phương tiện tránh thai dễ tiếp cận. Hỗ trợ tài chính của chính phủ cho việc nuôi dạy con quá thấp, chi phí điều trị vô sinh quá cao. Cơ hội việc làm và thăng tiến nghề nghiệp bị ảnh hưởng khi phụ nữ sinh con, phải ở nhà chăm sóc con nhỏ, sau đó đi làm trở lại... cũng góp phần khiến tỷ lệ sinh suy giảm. Từ thực tế của các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, ông Nhân cho rằng Việt Nam cần có chính sách khuyến sinh ngay từ bây giờ, khi tỷ suất sinh mới bắt đầu giảm, đang ở mức 1,96. Tỷ lệ sinh hoàn hảo là 2,1. Theo đó, giới chức nên chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình "chuẩn" 4 người, gồm 2 người đi làm và 2 trẻ em. Thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động một ngày, tối đa 40 giờ mỗi tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư. Thực tế, nhiều người lao động làm việc 10-12 tiếng mỗi ngày, không có thời gian quan hệ bạn bè, chăm sóc gia đình... Ngoài ra, cần có thị trường nhà ở, chế độ nghỉ khi có thai và sinh con phù hợp; chế độ lương và thăng tiến ở doanh nghiệp phải khuyến khích việc lập gia đình, sinh con. Còn theo chuyên gia thuế, luật sư Trần Xoa, cần có chính sách ưu đãi giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp (nếu đơn vị có chính sách hỗ trợ người lao động sinh con). Khi được giảm thuế, doanh nghiệp sẽ thêm nguồn lực để đầu tư vào xây nhà trẻ tại nơi làm việc, cung cấp dịch vụ chăm trẻ tại nhà, tạo điều kiện làm việc linh hoạt cho người mẹ. "Các chính sách này giúp người lao động có con nhỏ giảm bớt gánh nặng chăm sóc con cái, cân bằng giữa công việc và gia đình, từ đó nâng cao năng suất làm việc, cống hiến cho doanh nghiệp. Khi các gia đình có con nhỏ được hỗ trợ tốt hơn, họ sẽ cảm thấy tự tin hơn trong việc sinh thêm con, góp phần tăng tỷ lệ sinh", ông Xoa nói, thêm rằng trẻ em được chăm sóc tốt sẽ có cơ hội phát triển toàn diện, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao. Tương tự, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM - nơi liên tục nhiều năm có mức sinh thấp nhất cả nước (hiện chỉ còn 1,32), để tăng mức sinh thì người dân cần có được sự an tâm rằng con cái họ sẽ được sinh ra và phát triển với chất lượng sống tốt nhất. Bên cạnh đó, các chính sách giảm áp lực về gánh nặng kinh tế không dừng ở thời gian ngắn mà phải hướng đến sự hỗ trợ cho các cặp vợ chồng nuôi con cho đến 18 tuổi thông qua hỗ trợ học phí, thời gian chăm sóc trẻ, đặc biệt chế độ hỗ trợ hưởng lương cho các cặp vợ chồng có con nhỏ chưa thể gửi trẻ. Mặt khác, cần giảm bớt gánh nặng của phụ nữ đối với công việc nhà cũng như đảm bảo quyền lợi của lao động nữ trong công việc và cơ hội thăng tiến. "Đây là những giải pháp không đơn giản để thực hiện", ông Trung nói. Trước mắt, Sở Y tế TP HCM đã có những đề xuất tham mưu UBND trong dự thảo về chính sách dân số thành phố đến năm 2030 để trình HĐND trong kỳ họp cuối năm nay. Các giải pháp đề xuất được tập trung vào việc hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn cho các cặp nam, nữ thanh niên sắp kết hôn; hỗ trợ một phần chi phí chăm sóc y tế (cho việc chăm sóc thai kỳ và sinh con) đối với phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi; hỗ trợ chi phí khi tham gia chương trình sàng lọc trước sinh - sàng lọc sơ sinh đối với các đối tượng chính sách... Nhiều nơi trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc đứng trước nguy cơ tiêu vong trong 80 năm tới vì dân không chịu sinh. Bởi, một đất nước có dân số giảm 60% trở lên so với lúc dân số lớn nhất được coi là đối diện với nguy cơ tự tiêu vong. Nhật Bản với dân số đang 123 triệu người, lớn thứ 12 thế giới, dự báo chỉ còn khoảng 50 triệu người vào năm 2100, tức mất 61% dân số do mức sinh đang giảm thấp, còn 1,2. Tương tự, Hàn Quốc cũng đứng trước nguy cơ này với dự đoán chỉ còn khoảng 20 triệu người trong 80 năm tới và không còn người nào vào năm 2750. Tỷ suất sinh của nơi này đang là 0,72. Việt Nam cũng đối diện thực tế này khi tỷ lệ sinh ngày càng suy giảm. Các nhà khoa học tính toán kịch bản năm 2500, nước ta chỉ còn khoảng 5 triệu dân, năm 3000 là 136 nghìn người nếu không thay đổi chính sách. Theo đó, nếu hai vợ chồng sinh hai con, khi chết đi thì sẽ có hai người con thay vào dân số. Khi họ chỉ sinh một con, dân số sẽ giảm một nửa. Và nếu người con đó lại chỉ sinh một con, dòng họ qua hai đời chỉ còn 1/4.