Không dám triệt sản vì sợ thành 'thái giám'
Hà NộiNghe bạn bè nói triệt sản là dại dột, trở thành "thái giám", "gà trống thiến", anh Nam liền thu hồi quyết định, mặc vợ can ngăn.
Anh Nam, 45 tuổi, ở Hà Đông, kết hôn hơn 15 năm, sinh được hai trai một gái. Gần hai năm nay, anh thấy tần suất quan hệ tình dục giảm, người vợ ít gần gũi hơn do sợ mang thai ngoài ý muốn. Trước đó, chị từng đặt vòng, song vẫn có thai nên càng lo lắng đến "mất ăn, mất ngủ".
Ban đầu, người đàn ông dự định đi triệt sản để tránh mang thai ngoài ý muốn, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho bạn đời khi không phải uống hay tiêm thuốc tránh thai. Anh chia sẻ kế hoạch với nhóm bạn thân, bị trách "đang yên đang lành tự dưng vật ra mổ xẻ, cắt thắt". Một người bạn khác khẳng định thắt ống dẫn tinh là mất phong độ, suy giảm ham muốn, không còn là đàn ông.
"Tốt nhất là không nên đi ngược quy luật tự nhiên, trời cho sao giữ vậy", anh nói với vợ, kiên quyết không triệt sản. Không thống nhất được phương án, hai vợ chồng trở nên xa cách, không khí gia đình căng thẳng.
Ngược lại, chị Phương, 32 tuổi, ở Thanh Oai, không đồng ý cho chồng đi triệt sản. Hai vợ chồng đã sinh "đủ nếp, đủ tẻ" nên luôn lo lắng vỡ kế hoạch. Tìm hiểu trên mạng, người chồng thấy phương pháp triệt sản nam vừa an toàn, đơn giản vừa chia sẻ gánh nặng tránh thai với vợ.
Tuy nhiên, người vợ nghi ngờ anh "thay lòng đổi dạ, kết hôn chỉ để có con". Ngoài ra, chị cho rằng việc thắt ống dẫn tính sẽ làm chồng suy giảm phong độ, dẫn đến đời sống chăn gối bị ảnh hưởng. Chị tuyên bố chồng đi triệt sản thì sẽ ly hôn.
Bác sĩ Lê Duy Thảo, Khoa Nam học, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc, cho biết thắt ống dẫn tinh là biện pháp tránh thai hiệu quả ở nam giới, phổ biến trên thế giới. Việt Nam chưa có thống kê đàn ông triệt sản nhưng ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy số ca tăng lên mỗi năm.
Phương pháp này được thực hiện bằng cách cắt hoặc buộc ống dẫn tinh, từ đó ngăn không cho tinh trùng từ tinh hoàn ra túi tinh, ngừa thụ thai tự nhiên. Đây là tiểu phẫu dễ thực hiện và an toàn, tỷ lệ biến chứng dưới 1%, thời gian thực hiện chỉ khoảng 30 phút, người bệnh có thể xuất viện trong ngày, chi phí thấp.
"Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn nghi ngại do chưa có hiểu biết chính xác về nó", bác sĩ nói.
Lý giải nguyên nhân, bác sĩ nhận định nhiều người quan niệm tránh thai là nhiệm vụ của phụ nữ, còn đàn ông gánh vác những công việc nặng nhọc, lớn lao. "Đây là tư tưởng gia trưởng, ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ, rất khó thay đổi", ông Thảo nói.
Ngoài ra, quý ông cho rằng triệt sản là mất phong độ, yếu sinh lý, rối loạn cương. Nam giới sau khi thắt ống dẫn tinh không còn ham muốn, lâu dần ảnh hưởng đến khả năng quan hệ. Hoặc triệt sản sẽ khiến râu rụng, thay đổi giọng nói, biểu hiện nữ hóa hoặc lưỡng tính...
Mặt khác, nhiều người nhầm lẫn giữa thắt ống dẫn tinh khác với phương pháp "tịnh thân" thời phong kiến, tức là cắt bỏ bộ phận sinh dục. Đây là quá trình vô cùng đau đớn khiến nam giới không còn khả năng sinh sản do không còn tinh hoàn, tránh phát sinh quan hệ với phụ nữ.
Thực tế, khi thắt ống dẫn tinh, chức năng nội và ngoại tiết của tinh hoàn đều không bị ảnh hưởng. Bộ phận này vẫn tiết ra những hormone điều hòa nội tiết cơ thể cũng như sản xuất các lứa tinh trùng mới. Thậm chí, hiện tượng xuất tinh vẫn diễn ra bình thường, thể tích tinh dịch gần như không thay đổi. Lượng tinh trùng bị ngăn lại sẽ tự tiêu biến và hấp thụ ngược lại vào cơ thể.
"Do đó, thắt ống dẫn tinh không ảnh hưởng đến mức độ testosterone, khoái cảm hay bất cứ vấn đề nào khác liên quan đến đời sống tình dục", bác sĩ cho hay.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị nam giới cần cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định. Việc khôi phục khả năng sinh sản sau khi thắt ống dẫn tinh có thể thực hiện, nhưng hiệu quả chỉ 80 - 90%, dễ tắc lại. Nhiều trường hợp thắt muốn nối lại nhưng không thể sinh con tự nhiên, phải thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
"Dù vậy, việc nam giới chủ động tránh thai cũng là cách bảo vệ và thể hiện tình yêu với người phụ nữ của mình", bác sĩ nói.