Loét giác mạc do chủ quan khi mạt sắt bắn vào mắt
HÀ NỘIBị mạt sắt bắn vào trong lúc hàn cửa, người đàn ông 36 tuổi không đi khám, đến khi mắt bị nhiễm trùng nặng mới đến viện thì loét giác mạc.
Sau tai nạn, anh nhỏ nước muối sinh lý tại nhà, song mắt vẫn đau nhức. Khám tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, anh được chẩn đoán viêm loét giác mạc, dị vật vẫn trong mắt. Bác sĩ chỉ định lấy dị vật, kết hợp với sử dụng thuốc chống nhiễm trùng.
Ngày 5/12, Ths.Bs Mai Thị Anh Thư, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cho biết bệnh nhân bị dị vật bắn vào mắt nhưng lại đến bệnh viện muộn sau 24h, bỏ qua thời điểm vàng để điều trị. Để lâu, rỉ sắt ngấm vào nhu mô của giác mạc khiến việc lấy dị vật khó khăn hơn, giác mạc bị trầy xước và nhiễm trùng dẫn tới viêm loét.
Người bệnh khi bị viêm loét giác mạc sẽ cảm thấy khó chịu, đau nhức âm ỉ trong mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, chói mắt, sưng mí... Nếu không điều trị kịp thời các triệu chứng này có thể tiến triển trầm trọng hơn, biến chứng nặng gây thủng giác mạc, viêm nội nhãn, mù lòa.
Bác sĩ Thư cho biết bất kỳ dị vật nào (bụi, côn trùng, mảnh đá, mạt sắt, viên sỏi... ) bắn vào mắt đều tiềm ẩn nguy cơ gây trầy xước giác mạc do đây là lớp mô trong suốt nằm ở lớp ngoài cùng của bề mặt nhãn cầu.
Giác mạc khi bị tổn thương khiến cho việc tiếp nhận hình ảnh bị thay đổi do đây cũng là bộ phận tiếp xúc với ánh sáng đầu tiên, cho phép ánh sáng đi qua giúp mắt người nhìn thấy, đồng thời cũng phá vỡ hàng rào bảo vệ nhãn cầu khỏi các tác nhân nhiễm trùng.
Tùy theo từng mức độ tổn thương giác mạc sẽ có cách giải quyết khác nhau. Trường hợp bị mạt sắt bắn vào mắt, người bệnh tuyệt đối không được dùng tay dụi mắt vì có thể làm cho tình trạng nghiêm trọng hơn, không tự lấy dị vật mà có thể chớp mắt vào ly nước sạch giúp dị vật trôi ra ngoài. Sau đó phải nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa mắt uy tín để kiểm tra và lấy dị vật dưới kính sinh hiển vi.
"Hiệu quả điều trị tùy thuộc vào thời điểm bệnh nhân đến bệnh viện khám sớm hay muộn. Rất nhiều trường hợp chủ quan dẫn tới nhiễm trùng, bệnh từ nhẹ chuyển thành nặng", bác sĩ Thư nói.
Điều trị nhiễm trùng sau chấn thương tại mắt rất phức tạp, tốn kém, mất nhiều thời gian mà kết quả nhiều khi không như mong muốn. Vì vậy, để phòng tránh tai nạn, chấn thương tại mắt thì cách tốt nhất là bảo vệ mắt. Không nên chủ quan, thường xuyên sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi, khi tiện, hàn... Nên đeo kính khi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi cát, bụi và hạn chế sự tiếp xúc của mắt với tia cực tím. Khi bị dị vật rơi vào mắt cần đến bệnh viện ngay để xử lý kịp thời.