Lợi ích của trứng với bệnh tiểu đường
Trứng giàu chất dinh dưỡng như choline, biotin tốt cho mắt và tim, nhiều protein, ít carbohydrate nên ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Bệnh tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu cao, xảy ra do cơ thể không có khả năng sản xuất insulin hoặc không thể sử dụng insulin hiệu quả. Insulin là một loại hormone mà tuyến tụy tạo ra để điều chỉnh lượng đường trong máu.
Người bệnh tiểu đường cần có chế độ ăn hợp lý, hạn chế đồ ngọt, carbohydrate (carb) tinh chế, giảm muối, tăng cường rau xanh và trái cây. Người bệnh tiểu đường ăn trứng vừa phải cũng có lợi cho sức khỏe.
Giàu chất dinh dưỡng
Trứng dễ chế biến, là nguồn protein tốt cho người bệnh tiểu đường. Một quả trứng lớn chứa khoảng 6,3 g protein chất lượng cao, 186 mg cholesterol, 44 IU vitamin D, 24 microgam folate và 28 g canxi. Thực phẩm này còn giàu vitamin, bao gồm vitamin B12, B6, B2 và các khoáng chất thiết yếu như kali, sắt, kẽm, hỗ trợ cân bằng dinh dưỡng.
Kali giúp cân bằng lượng natri trong cơ thể, cải thiện sức khỏe tim mạch. Trứng có nhiều chất dinh dưỡng như lutein, choline. Lutein cải thiện sức khỏe của mắt và tim. Choline mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe não. Lòng đỏ trứng chứa biotin (vitamin B7) thành phần quan trọng cho tóc, da và móng, thúc đẩy sản xuất insulin. Một quả trứng lớn chỉ có khoảng 75 calo, 5 g chất béo, trong đó chỉ 1,6 g là chất béo bão hòa không gây tăng cân.
Ít carbohydrate
Kiểm tra lượng carbohydrate nạp vào mỗi ngày rất quan trọng với người bệnh tiểu đường, để ổn định lượng đường trong máu. Trứng hầu như không chứa carbohydrate và được khuyến khích trong chế độ ăn ít carb.
Không làm tăng lượng đường trong máu
Người bệnh tiểu đường ăn trứng không ảnh hưởng xấu đến mức đường huyết. Ngược lại, thành phần protein dồi dào còn có thể hỗ trợ cải thiện độ nhạy insulin, kiểm soát bệnh. Món ăn này có giá trị dinh dưỡng cao, tạo cảm giác no lâu giúp ít ăn vặt.
Ít tác động đến mức cholesterol trong máu
Trứng chứa hàm lượng cholesterol cao nên nhiều người lo lắng ảnh hưởng xấu đến tim. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, cholesterol trong chế độ ăn uống không có tác động lớn đến cholesterol trong máu.
Khi ăn trứng, nên hạn chế cholesterol từ thực phẩm khác, tổng lượng cholesterol tiêu thụ không quá 300 mg mỗi ngày. Một quả trứng lớn có 186 mg cholesterol và phần lớn cholesterol đến từ lòng đỏ. Người bệnh nên ăn nhiều lòng trắng trứng thay vì lòng đỏ. Nên ăn trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và nguồn protein nạc.
Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để điều chỉnh chế độ ăn phù hợp với nhu cầu cá nhân và tình trạng sức khỏe. Người bệnh tiểu đường type 2 có thể ăn khoảng 4 quả trứng mỗi tuần, cân bằng chất dinh dưỡng từ thực phẩm khác như protien từ thịt, cá.