Mẹo ngủ ngon cho người thoát vị đĩa đệm
Người bệnh thoát vị đĩa đệm nên chọn tư thế ngủ phù hợp với vị trí đốt sống bị đau, dùng loại đệm và gối hỗ trợ giảm áp lực lên cột sống.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng một hoặc nhiều đĩa đệm nằm giữa các đốt sống lưng và cổ bị hư hại, trượt ra khỏi vị trí ban đầu. Chúng chèn ép lên tủy sống và các dây thần kinh trong ống sống, gây đau nhức, rối loạn cảm giác tại chỗ. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như lão hóa, thừa cân, chuyển động lặp lại, căng thẳng đột ngột do vặn khớp không đúng cách, chấn thương ở lưng...
Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân hàng đầu gây đau cổ, cánh tay, chân và lưng dưới. Triệu chứng bệnh rất đa dạng nhưng hầu hết bệnh nhân cảm thấy đau, nhất là khi ngủ, như đau dữ dội ở lưng dưới, đau rát lan xuống lưng và chân, đau khi uốn hoặc vặn người. Cơn đau thường nặng hơn vào ban đêm, có thể gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Người bị thoát vị đĩa đệm áp dụng các tư thế ngủ dưới đây có thể duy trì độ cong tự nhiên và giảm áp lực lên cột sống.
Nằm nghiêng, đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối. Cách này giúp giữ cho xương chậu, hông và cột sống thẳng hàng hơn. Nếu giữa giường và thắt lưng có khoảng trống, hãy đặt một chiếc gối nhỏ ở đó để hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, tránh ngủ cùng một bên thường xuyên do dễ mất cân bằng cơ và vẹo cột sống. Đổi bên nếu không thoải mái.
Nằm nghiêng trong tư thế bào thai. Nằm ngửa rồi nghiêng người sang một bên, co đầu gối về phía ngực và từ từ vặn phần thân trên về phía đầu gối. Tư thế này chủ yếu có lợi cho người bị thoát vị đĩa đệm ở lưng trên. Cuộn trọn người trong tư thế bào thai giúp các đốt sống trên lưng giãn ra, người bệnh thoái mái, dễ ngủ hơn. Đổi bên thường xuyên để tránh tình trạng mất cân bằng.
Nằm sấp với một chiếc gối dưới bụng. Ngủ sấp có thể tạo áp lực lớn lên cột sống vì làm phẳng đường cong tự nhiên của nó. Tư thế này cũng gây thêm căng thẳng cho cổ. Nếu đã quen với việc nằm sấp, người bệnh thoát vị đĩa đệm nên kê một chiếc gối ở bụng dưới và xương chậu để giảm áp lực lên cột sống. Người bệnh có thể kê một chiếc gối dưới đầu nếu muốn. Ngủ ở tư thế này góp phần hạn chế căng thẳng dồn vào khoảng trống giữa các đĩa đệm.
Nằm ngửa là một trong những tư thế ngủ tốt nhất cho người bị thoát vị đĩa đệm, cho phép trọng lượng phân bổ đều trên cơ thể. Người bệnh thoát vị đĩa đệm ở cổ nên nằm ngửa và kê một chiếc gối mỏng ở đầu. Người bệnh thoát vị đĩa đệm lưng dưới hãy cuộn một chiếc khăn đặt dưới lưng, điều chỉnh độ dày của khăn cho vừa vặn. Nếu bị thoát vị đĩa đệm ngực, bạn đặt một chiếc gối dưới đầu gối để giải nén cột sống, giúp nó ở trạng thái cân bằng.
Ngả lưng trên ghế tựa cũng giảm áp lực lên cột sống bằng cách tạo một góc giữa đùi và thân. Nhờ đó, các cơ cốt lõi được nghỉ ngơi, mang lại cảm giác nhẹ nhõm.
Đặt đầu ở tư thế trung tính phù hợp với người bị thoát vị đĩa đệm ngực. Kê một chiếc gối quá mỏng hoặc quá dày dưới đầu có thể chèn ép cột sống ngực. Nên kê đầu sao cho ở vị trí trung lập, có thể kê thêm một chiếc gối hỗ trợ cột sống.
Dù chọn tư thế ngủ nào, người bệnh cần đảm bảo cột sống được căn chỉnh hợp lý, đặt tai, vai và hông trên một đường thẳng. Cẩn thận khi thay đổi tư thế ngủ vì dễ bị lệch vị trí. Chọn loại đệm phù hợp để giảm đau lưng và cải thiện chất lượng giấc ngủ, như đệm mủ cao su và mút hoạt tính.
Chọn gối tùy vào tư thế ngủ. Nằm ngửa nên kê gối có độ cao vừa phải 3-12 cm để hỗ trợ cho đầu và cổ mà không gây căng cơ. Khi nằm nghiêng tạo ra khoảng cách lớn hơn giữa cổ và giường, người bệnh nên chọn gối trung bình 12 cm hoặc hơn. Nằm sấp nên kê gối dưới 7cm. Nếu kết hợp nhiều tư thế ngủ, hãy chọn gối vừa phải, không cao hơn 12 cm để căn chỉnh phù hợp cho mọi tư thế.
Loại giường điều chỉnh linh hoạt có khả năng giảm đau cho người bị thoát vị đĩa đệm ở lưng dưới. Điều chỉnh giường để nâng cao phần chân, giúp kéo giãn lưng, mở các khớp và giảm đau.