Nên ăn uống gì khi bị say nắng?
Tôi chạy xe ôm công nghệ, hay bị say nắng gây mệt mỏi, nên ăn uống thế nào để cải thiện sức khỏe? (Duy Bình, TP HCM)
Trả lời:
Say nắng là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao (trên 40 độ C), thường xảy ra khi một người làm việc, sinh hoạt hay vui chơi trong thời gian dài ở ngoài nắng. Say nắng thường kèm theo mất nước và chất điện giải khiến hệ thống điều hòa nhiệt độ cơ thể hoạt động quá mức hoặc mất kiểm soát.
Triệu chứng sau nắng gồm mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, sốt cao, buồn nôn hoặc nôn mửa, tim đập nhanh, thở gấp, tăng tiết mồ hôi, co giật, kích động, lú lẫn, ngất xỉu. Trường hợp nặng có thể dẫn đến đột quỵ, trụy tim mạch, tử vong.
Người bị say nắng không nên uống quá nhiều nước cùng một lúc. Điều này gây kích thích tuyến mồ hôi hoạt động quá mức, khiến cơ thể mất nước và chất điện giải nhiều hơn. Uống quá nhiều nước một lúc còn làm loãng dịch dạ dày, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Người bệnh nên chia nhỏ lượng nước, uống nhiều lần, mỗi lần một ít.
Một số thức uống sau đây có thể hỗ trợ người bị say nắng cải thiện tình trạng mất nước và chất điện giải, góp phần hồi phục sức khỏe.
Nước dừa cung cấp nhiều kali, natri, canxi, magie, selen, đồng, kẽm, giúp cơ thể bù nước, cân bằng điện giải, hỗ trợ tuần hoàn máu lên não, góp phần cải thiện chức năng thần kinh và hệ miễn dịch. Người bệnh say nắng có thể uống 1-2 ly nước dừa không thêm đường nhằm hỗ trợ cơ thể giải nhiệt, phòng và chữa say nắng, khát nước.
Nước ép dưa hấu giàu vitamin A, B, C, canxi, mangan, có tác dụng giải nhiệt, hỗ trợ chống viêm, chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện thị lực.
Nước ép khổ qua (mướp đắng) với hàm lượng cao vitamin A, B6, B9, C, K và các khoáng chất canxi, photpho, kẽm, magie, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát hiệu quả. Thức uống này còn hỗ trợ quá trình chuyển hóa lipid, hỗ trợ các tế bào tăng cường hấp thụ axit béo khi năng lượng cơ thể hạ thấp.
Nước chanh giàu vitamin C, các chất chống oxy hóa, axit citric, vitamin B5 và B6, folate, magie, kali. Uống nước chanh tươi pha thêm ít đường có thể giúp người bệnh say nắng bổ sung năng lượng, hỗ trợ cơ thể giảm mệt mỏi, giảm viêm, lợi tiểu.
Nước đậu xanh bổ sung canxi, photpho, sắt, caroten và các vitamin B1, B2, C cho cơ thể, hỗ trợ thanh nhiệt, giải độc, cải thiện tình trạng mất nước.
Người say nắng nên lưu ý không ăn thực phẩm quá giàu dinh dưỡng, nhiều dầu mỡ hoặc thức ăn lạnh, dễ dẫn đến bội thực đường tiêu hóa, tổn thương hoặc rối loạn chức năng dạ dày, dễ chướng bụng, khó tiêu hoặc tiêu chảy. Tránh thực phẩm chứa caffeine, rượu bia và các chất kích thích vì có thể gây mất nước và chất điện giải nặng hơn. Ưu tiên thực phẩm dễ tiêu hóa như cháo, súp, canh rau củ, sữa, trái cây tươi...
Tuy nhiên, chế độ dinh dưỡng của người bệnh hay có nguy cơ say nắng còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và bệnh nền đồng mắc. Do đó, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị hoặc đi khám dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống phù hợp.