Những phụ nữ một mình gánh hôn nhân
Ba năm nay, Thu Hằng một mình tự bươn chải kiếm tiền nuôi con, lo cho bản thân dù vợ chồng cô không ly hôn.
Người phụ nữ 30 tuổi (ở Bắc Giang) mâu thuẫn khi sống chung với bố mẹ chồng, giục bạn đời ra thuê trọ ở riêng nhưng không được đồng ý. Hai vợ chồng vì thế xung đột triền miên. Anh chồng từ chối đóng góp tài chính để nuôi con, nói dành tiền đầu tư làm ăn.
Chán nản, Thu Hằng lấy lý do đi làm gần nhà ngoại nên chuyển trường cho con về đó để tiện đưa đón. Cô cũng ở lại nhà mẹ đẻ, hai ngày cuối tuần mới về nhà chồng để tránh hàng xóm dị nghị, đồn đoán đã ly hôn. Mọi chi phí của hai mẹ con đều do Thu Hằng một tay lo liệu. Cô không xin chồng và anh cũng không chủ động chu cấp. "Mọi người cứ đùa là giận chồng thế khéo mai kia lại có bầu, nhưng kỳ thực lâu rồi chúng tôi không gần gũi", chị nói.
Ở Hà Nội, chị Minh Hạnh (40 tuổi) chủ một cửa hàng thời trang đang có quan hệ vợ chồng hợp pháp với anh Quốc Tuấn hơn 10 năm nay, nhưng sống như một single mom. Hai vợ chồng chung nhà, còn lại độc lập mọi thứ.
Anh Quốc Tuấn đã có bạn gái bên ngoài nhưng không muốn ly hôn vợ. Chị Minh Hạnh cũng sợ xáo trộn cuộc sống gia đình. Bề ngoài, họ vẫn là một gia đình toàn vẹn, có bữa cơm chung, lâu lâu đi chơi cuối tuần cùng con, nhưng thực chất, hai người cam kết không can thiệp vào đời sống riêng của đối phương.
"Tiền tôi làm ra lo được mọi thứ nên cũng chẳng cần anh ấy phải đóng góp", chị nói. Trước đây, cả hai vợ chồng cùng đi làm nhưng anh Tuấn không bao giờ chủ động đưa tiền chi phí cho gia đình, dẫn đến cãi vã. Sau một lần xung đột căng thẳng, chị Minh Hạnh đành một mình gánh vác gia đình.
Có chồng nhưng sống như một single mom là hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện đại, theo chuyên gia tâm lý Chử Thị Thanh Hương (TPHCM). Từ năm 2014 đến nay, bà Hương và cộng sự liên tục tổ chức chương trình "Nuôi con khi chỉ có một mình", dành cho phụ nữ đơn thân nhưng rất nhiều người tham gia lại là phụ nữ có chồng. "Em có chồng mà như đơn thân nuôi con cô ạ, nên em cần đến chương trình này", họ nói lý do.
Chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân đẩy người phụ nữ trở thành single mom trong hôn nhân. Có thể do người chồng không có khả năng kiếm tiền nên dồn gánh nặng lên vai vợ, người vợ chủ động tài chính và nuôi dạy con nên đẩy chồng ra khỏi vai trò làm cha hoặc do người đàn ông giống như chồng chị Minh Hạnh, từ chối trách nhiệm của mình với vợ con.
Bà Trần Kim Thành, chuyên gia tâm lý, tác giả sách "5 bước đơn giản để có mối quan hệ hoàn hảo" bổ sung thêm trường hợp người vợ xuất sắc hơn chồng về mọi mặt, còn người chồng lại thiếu bản lĩnh, thiếu tư duy cầu tiến nên tự ti, thậm chí đố kị với vợ nên tự biến mình thành "cái bóng", có như không trong nhà.
Chuyên gia cho biết, điều dễ nhận thấy nhất là một mình trong hôn nhân khiến phụ nữ stress vì phải gồng lên lo toan, không có thời gian thư giãn, chăm sóc bản thân nên sức lực thể chất tinh thần bị bào mòn. Họ dễ tủi thân khi nhìn vào các gia đình khác có người chồng tốt.
Là một cán bộ cấp xã, thu nhập của Thu Hằng chưa đầy 7 triệu đồng mỗi tháng. Không muốn sống chung với nhà chồng cũng không muốn phụ thuộc nhà ngoại, cô vay mượn mua một miếng đất, nhờ bố đẻ đứng tên để phòng thân. Hàng tháng, Thu Hằng vừa lo chi phí sinh hoạt, tiền học cho con vừa trả nợ. Để có thêm tiền trang trải, mỗi ngày, cô dậy từ hai giờ sáng làm bánh mang ra chợ và rao hàng online, trước khi đến công sở lúc 7h30 sáng.
"Sống với cha mẹ tôi như tiểu thư. Từ ngày lấy chồng thì phải bươn chải như chị hàng tôm, hàng cá, cóp nhặt từng đồng", Hằng nói. Mệt mỏi, đôi lần cô muốn buông xuôi nhưng thương con, sợ cha mẹ phiền lòng nên gắng gượng.
Điều khiến người vợ trẻ chạnh lòng hơn cả là nỗi cô đơn khi có chồng như không. Hằng cũng đã thử vun vén, thử yếu đuối tạo cơ hội cho cuộc hôn nhân, cho chồng đảm trách nhiệm làm cha, nhưng anh hờ hững.
Khi dịch bệnh bùng phát, Thu Hằng và con trai nhiễm Covid-19 đúng đêm giao thừa, bị đưa đi cách ly. Tủi thân, chị gọi cho chồng nhờ tiếp tế ít đồ ăn và cũng vì muốn nghe từ anh lời động viên.
Trái với những gì Hằng kỳ vọng, anh "sợ nhiễm bệnh thì mất Tết" nên nhất định không đến. Người vợ đành gọi điện cho ông bà ngoại trợ giúp. Mùng 7 Tết, hai mẹ con khỏi bệnh, rời khu cách ly nhưng cũng không thấy chồng tới thăm.
Đã hàng trăm lần Thu Hằng tự hỏi lý do gì chị bị chồng đối xử ghẻ lạnh trong khi xinh đẹp, chăm chỉ, có công việc ổn định và có với nhau cậu con trai kháu khỉnh. "Tôi muốn được ra ở riêng, được làm chủ cuộc sống của mình là sai?", cô tự hỏi.
Chị Minh Hạnh cũng thừa nhận vẻ ngoài sang trọng không thể che giấu được cô đơn từ sâu thẳm. Nhiều đêm chồng về khi đã muộn, bước vào phòng ngủ sực mùi nước hoa của người đàn bà khác, chị chỉ biết vùi mặt vào tường khóc. Minh Hạnh nghĩ mình không đủ thu hút để giữ chân chồng. Trong một khoảnh khắc, chị muốn anh biến mất khỏi đời mình, nhưng rồi lại sợ ngôi nhà chỉ có hai mẹ con.
Các chuyên gia cảnh báo, khi không có sự hài lòng trong mối quan hệ vợ chồng, cả hai người sẽ phát sinh tâm lý bức bối, khó chịu, bất mãn, làm ảnh hưởng đến các con. "Những đứa trẻ cũng khó nhận biết đúng vai trò, trách nhiệm của cha/mẹ trong việc chăm lo cho gia đình", bà Kim Thành nói.
Rơi vào tình huống này, chuyên gia khuyên phụ nữ nên chủ động ngồi lại nói chuyện cho chồng hiểu vấn đề của mình, cùng bàn thảo, chia sẻ trách nhiệm cho phù hợp. Với những người chồng lười hay vô trách nhiệm, cần giao khoán nhiệm vụ rõ ràng.
Bà Chử Thị Thanh Hương khuyên phụ nữ nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người thân thiết để được chia sẻ, dành thời gian chăm sóc bản thân, xây dựng mạng lưới xã hội mới, tập trung vào con cái, học hỏi và phát triển bản thân, tìm niềm vui cá nhân.
"Nếu mối quan hệ không còn khả thi và gây hại cho sức khỏe tâm lý và thể chất, cô ấy có thể cân nhắc các quyết định như ly hôn hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý", bà Thanh Hương nói.
Theo bà Kim Thành, người đàn ông bỏ mặc vợ trong hôn nhân cũng cần hiểu tổ ấm gia đình chỉ vững vàng khi mọi thành viên chung tay vun vén. Nếu thực sự muốn có một gia đình đúng nghĩa, muốn tốt cho con, cho bản thân, bạn đời, nam giới cần chủ động gánh vác trách nhiệm của mình.
Nhiều người khuyên Thu Hằng hoặc chọn ngồi xuống nói chuyện với chồng để tìm tiếng nói chung hoặc ly hôn để tìm hạnh phúc mới nhưng cô đều bỏ qua.
"Tôi cảm thấy sợ khi nghĩ đến việc từ bỏ một cuộc hôn nhân tồi tệ để lại gặp một người đàn ông tồi tệ hơn", Thu Hằng nói.