Những thói quen khiến hơi thở có mùi
Hút thuốc lá, không thay bàn chải đánh răng định kỳ, uống rượu là những nguyên nhân gây mùi hơi thở dù không mắc bệnh răng miệng.
Đánh răng sai cách
Đánh răng giúp ngăn ngừa sâu răng, giảm nguy cơ mắc bệnh răng miệng, loại bỏ vi khuẩn ở khoang miệng. Đây là thói quen hàng ngày nhưng không phải ai cũng thực hiện đúng. Mỗi người nên đánh răng khoảng hai phút mỗi lần, hai lần mỗi ngày để loại bỏ mảng bám, mảnh vụn thức ăn. Duy trì thói quen này trước khi đi ngủ giúp giảm vi khuẩn gây hôi miệng.
Dùng bàn chải điện hoặc bàn chải thông thường đều được nhưng nên chọn loại lông mềm để loại bỏ vi khuẩn và mảng bám khỏi răng, nướu. Thay đổi bàn chải đánh răng ít nhất ba tháng một lần.
Dùng chỉ nha khoa có tác dụng làm sạch mảnh vụn thức ăn giữa các kẽ răng mà bàn chải không thể chạm tới. Vi khuẩn có thể tích tụ trên bề mặt thô ráp của lưỡi, góp phần gây hôi miệng, do đó đừng quên vệ sinh lưỡi. Thử súc miệng nhanh bằng hỗn hợp nước, một vài giọt tinh dầu bạc hà hoặc trà đen, trà xanh để ngăn chặn vi khuẩn gây hôi miệng. Mỗi người nên đi khám nha khoa định kỳ để sớm phát hiện, điều trị các vấn đề răng miệng.
Hút thuốc lá
Nước bọt giúp loại bỏ các mảnh vụn thức ăn, vi khuẩn. Hút thuốc gây khô miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xấu phát triển. Thuốc lá chứa rất nhiều hóa chất độc hại cho sức khỏe, khi nicotine trong thuốc lá bị đốt cháy sẽ sản sinh ra mùi. Thói quen hút thuốc cũng khiến cao răng hình thành, dẫn đến hôi miệng.
Uống rượu
Uống rượu khiến cơ thể mất nước, thiếu nước tạo bọt để làm sạch miệng, nên vi khuẩn dễ tăng sinh. Đồ uống chứa còn cũng ảnh hưởng xấu đến gan. Người bị hôi miệng do khô miệng cần tăng lượng nước uống mỗi ngày. Bên cạnh nước lọc, nước chanh, trà xanh, nước ép táo, dứa cũng là gợi ý phù hợp. Chanh, táo, dứa giàu vitamin C, chất chống oxy hóa giảm viêm nướu và các bệnh nha chu, hỗ trợ chức năng miễn dịch, bảo vệ các tế bào khỏi hư hại. Đồ uống này cũng cung cấp chất lỏng, chất điện giải, ngăn ngừa mất nước, giảm mệt mỏi, chuột rút.
Nhai kẹo cao su kích thích nước bọt. Đây là cơ chế bảo vệ tự nhiên của miệng chống lại các mảng bám, gây sâu răng, hôi miệng. Nếu tình trạng hơi thở có mùi không cải thiện, bạn có thể đi khám chuyên khoa.