Những thực phẩm có vị đắng tốt cho sức khỏe
Cacao chứa magie, kali, sắt hỗ trợ tăng cường sức khỏe tim mạch, còn mướp đắng có tác dụng kiểm soát đường huyết, tăng cường hệ miễn dịch.
Dù nhiều người không thích thực phẩm có vị đắng nhưng chúng đem đến rất nhiều lợi ích. Chuyên viên dinh dưỡng Nguyễn Thị Thương, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết những thực phẩm này góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, hỗ trợ đường ruột, mắt và gan.
Nghệ
Nghệ chứa curcumin có tác dụng thanh lọc máu, bảo vệ gan, hỗ trợ tiêu hóa, góp phần ngăn ngừa hình thành sỏi mật. Hợp chất này còn giúp chống viêm, duy trì sức khỏe dạ dày và ruột.
Tam thất
Tam thất hỗ trợ điều hòa thần kinh, cải thiện trí nhớ, giảm căng thẳng. Nó cũng có lợi cho hệ tim mạch, góp phần tăng lưu lượng máu động mạch vành, giảm nguy cơ thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim. Tam thất còn góp phần ổn định huyết áp, bảo vệ tế bào gan, giảm mỡ máu.
Cacao nguyên chất
Thành phần tạo nên vị đắng của cacao chính là hợp chất theobromine. Ngoài tạo nên hương vị đặc trưng cho cacao, chất này còn có tác dụng kích thích nhẹ hệ thần kinh trung ương, tăng cường sự tỉnh táo và khả năng tập trung.
Cacao nguyên chất cung cấp nhiều khoáng chất quan trọng như magie, kali, sắt, kẽm nên các sản phẩm làm từ cacao hỗ trợ sức khỏe tim mạch, cải thiện tâm trạng, giảm stress. Nhờ hàm lượng flavonoid cao, cacao còn có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào não, hỗ trợ tuần hoàn máu. Thời điểm tốt nhất để dùng cacao là sau khi ăn sáng khoảng một giờ, không nên uống trước khi đi ngủ.
Cà phê
Cà phê có một chất axit hữu cơ chống oxy hóa mạnh là chlorogenic. Khi rang cà phê, nhiệt độ cao làm axit này phân hủy thành axit quinic có vị đắng đặc trưng. Uống cà phê hỗ trợ giảm cân, cải thiện trí nhớ, tăng sự tỉnh táo, phòng ngừa bệnh tiểu đường, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư đồng thời giải tỏa căng thẳng thần kinh... Tuy nhiên, không nên uống cà phê với quá nhiều đường sữa, tránh dùng khi đói hoặc trước khi đi ngủ để hạn chế ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, giấc ngủ.
Cải xoăn
Cải xoăn (kale) chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin A, K, B6, C và canxi, kali, đồng và mangan. Hàm lượng chất chống oxy hóa trong cải xoăn giúp cơ thể ngăn lại các độc tố từ môi trường và gốc tự do tích tụ trong cơ thể.
Cải xoăn là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, chất chống oxy hóa. Loại rau này chứa chất glucosinolate tạo vị đắng và mang đến nhiều lợi ích sức khỏe. Glucosinolate có thể làm chậm sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư. Chất này trong rau cải còn giúp men gan xử lý độc tố, giảm tác động tiêu cực của hóa chất có hại lên cơ thể.
Mướp đắng
Mướp đắng có vị đắng đặc trưng nhờ chứa saponin và terpenoid, có tác dụng giảm đường huyết, tốt cho người mắc bệnh đái tháo đường. Ăn mướp đắng còn làm đẹp da, thanh lọc cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ phòng ngừa sỏi thận, ung thư, bệnh tim mạch và tiểu đường.
Có nhiều cách thưởng thức mướp đắng như ăn sống, uống nước ép, nấu canh hoặc xào trứng. Tuy nhiên, do tính hàn và vị đắng mạnh, ăn quá nhiều mướp đắng có thể gây đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, chóng mặt hoặc đau đầu. Mọi người nên sử dụng với lượng vừa phải để đem lại lợi ích cho sức khỏe.
Rau bồ công anh
Thân và lá cây bồ công anh chứa nhựa màu trắng như sữa và có vị đắng, tính kiềm cao, giúp sát khuẩn, diệt côn trùng và nấm. Bồ công anh hỗ trợ điều trị các bệnh ngoài da như ghẻ, eczema, ngứa do nấm... Thành phần hoạt chất trong bồ công anh có tác dụng kích thích tuyến tụy sản xuất insulin, giúp ngăn chặn chuyển đổi chất dinh dưỡng thành đường glucose trong máu, loại bỏ đường tích tụ trong thận ở người bệnh đái tháo đường.
Theo y học cổ truyền, bồ công anh có thể ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của các tế bào ung thư. Loại thảo dược này còn giúp tăng cường sức khỏe xương khớp, hỗ trợ chức năng gan.
Vỏ trái cây có múi
Vỏ của cam, chanh và quýt đem đến nhiều lợi ích cho hệ tiêu hóa và đường ruột. Một số cách phổ biến để tận dụng vỏ của các loại trái cây này bao gồm pha nước chanh cùng vỏ chanh, nướng vỏ cam quýt hoặc làm mứt. Nhờ chứa nhiều chất xơ, tinh dầu và hợp chất chống oxy hóa, vỏ cam và chanh hỗ trợ tiêu hóa, góp phần tăng cường sức khỏe đường ruột.
Trà xanh
Vị đắng tự nhiên trong trà xanh được tạo thành từ hợp chất catechin và polyphenol. Uống trà xanh giúp giảm cân, giảm chỉ số đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường, ổn định huyết áp. Tuy nhiên, uống quá nhiều có thể gây mất ngủ, tim đập nhanh, buồn nôn, chóng mặt... Vị đắng chát nhẹ trong trà xanh hỗ trợ tiêu hóa, tốt cho não bộ và hệ tim mạch, giúp tâm trạng tích cực hơn.
Hoa cúc
Món trà hoa cúc có vị đắng nhẹ, nhờ đó người uống có thể thư giãn tinh thần. Thành phần của trà hoa cúc chứa chất chamomile giúp làm giảm cơn co thắt bên trong dạ dày, giải phóng khí độc. Khi uống trà, tình trạng đầy hơi, ợ chua, khó tiêu cũng cải thiện đáng kể. Thường xuyên uống trà hoa cúc với tần suất hợp lý góp phần ngăn ngừa những vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa. Uống một tách trà nóng trước khi đi ngủ làm dịu đầu óc, bớt lo âu, từ đó dễ ngủ và sâu giấc hơn.