Sán 10 mét ký sinh trong cơ thể người đàn ông
HÀ NỘIBệnh nhân 50 tuổi đi khám khi phát hiện nhiều đốt sán màu trắng, sau điều trị xổ ra con sán dài 10 mét, hiếm gặp.
Ngày 9/4, bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng khoa Virus - Ký Sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhận định chiều dài sán lên đến 10 mét được coi là hiếm gặp. Thông thường, chiều dài của sán dây trưởng thành chỉ khoảng vài mét.
Người đàn ông có sở thích ăn đồ tái sống và tiết canh, thi thoảng bị rối loạn tiêu hóa, phát hiện vật thể lạ trong phân. Bác sĩ nhận định thói quen này là nguyên nhân khiến sán xâm nhập vào cơ thể, gây bệnh sán dây. 10 năm trước, ông từng điều trị giun sán.
Bệnh sán dây trưởng thành phân bố rải rác nhiều nơi trên toàn quốc, tỷ lệ nhiễm dao động 0,5-12% dân số. Trong đó, nhiễm sán dây bò là chủ yếu (chiếm 70-80%), 10-20% còn lại nhiễm sán lợn. Mỗi đốt già khi rụng ra ngoài có khoảng 50.000 trứng sán bên trong.
Nguyên nhân khiến nhiều người nhiễm sán là thói quen thích ăn thực phẩm tái, sống như bò cuốn lá cải, tái chanh, phở tái, lẩu... Người bệnh nhiễm sán sẽ có triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, đau bụng âm ỉ, kéo dài, đường ruột thường xuyên có cảm giác khó chịu, bứt rứt.
Ấu trùng sán rất nguy hiểm, đặc biệt khi ấu trùng sán di chuyển lên não và làm tổ, gây động kinh, liệt. Giun sán nói chung khi vào cơ thể đều chiếm hết thức ăn, làm người nhiễm kém hấp thu dinh dưỡng, cơ thể suy nhược, chậm phát triển. Bác sĩ điều trị bằng phác đồ đặc hiệu, song người bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm.
Để phòng bệnh, người dân nên ăn chín uống sôi, không ăn uống thực phẩm sống, tái, đồng thời giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh; thực hành vệ sinh tay đúng cách, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.