Tại sao phụ nữ dễ thoái hóa khớp hơn nam giới?
Cấu trúc hệ cơ xương khớp, các vấn đề về nội tiết tố khiến phụ nữ dễ bị thoái hóa khớp hơn, triệu chứng cũng nặng hơn so với nam giới.
Thoái hóa khớp là rối loạn mạn tính làm tổn thương sụn và các mô xung quanh khớp. Đây là tình trạng tất yếu của quá trình lão hóa, có thể xảy ra ở mọi người. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chứng minh phụ nữ bị thoái hóa khớp nhiều hơn nam giới.
ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân, khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lý giải ba nhóm nguyên nhân chính gồm:
Hệ cơ xương khớp yếu và dễ tổn thương. Cấu trúc khớp và dây chằng của phụ nữ yếu hơn nam giới, xương cũng nhỏ và mỏng hơn nên dễ bị tổn thương khi vận động. Các chấn thương lặp lại tiến triển thành thoái hóa khớp và các bệnh xương khớp khác.
Quá trình mang thai và sinh nở không chỉ làm thay đổi nội tiết tố mà còn tăng áp lực đè nặng lên hệ cơ xương khớp, thúc đẩy thoái hóa khớp phát triển. Sau mỗi lần sinh nở, nguy cơ thoái hóa khớp của phụ nữ tăng lên, nhất là ở khớp gối và khớp háng.
Nồng độ estrogen suy giảm ở thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Estrogen là nội tiết tố đóng vai trò bảo vệ mô sụn bao bọc các đầu xương khớp. Mỗi năm lượng xương của phụ nữ giảm 0,25-1%. Thời kỳ mãn kinh, lượng estrogen giảm mạnh nên tốc độ thoái hóa xương lại càng nhanh, mỗi năm giảm 1-5% khối lượng xương.
Estrogen suy giảm khiến chất lượng sụn khớp cũng giảm theo, làm tăng quá trình hủy xương, lâu dần gây loãng xương, thoái hóa khớp. Mất cân bằng nội tiết còn dẫn đến giảm sức đề kháng và rối loạn khả năng miễn dịch của phụ nữ, tăng nguy cơ bùng phát các đợt viêm khớp.
Bác sĩ Vân cho biết dù không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng lối sống lành mạnh và kiểm soát bệnh kịp thời có thể giúp làm chậm quá trình thoái hóa khớp, giảm triệu chứng bệnh cho phụ nữ.
Duy trì cân nặng lành mạnh. Trọng lượng dư thừa làm tăng áp lực đè nặng lên hệ cơ xương khớp, thúc đẩy và khiến các triệu chứng của thoái hóa khớp trầm trọng hơn. Người thừa cân nên giảm cân bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp.
Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện trọng lượng cơ thể và nâng cao sự linh hoạt, dẻo dai cho các khớp, từ đó giảm nguy cơ chấn thương. Nên rèn luyện thói quen tập thể dục 30 phút mỗi ngày với các bài tập đơn giản, nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đạp xe, yoga, khiêu vũ... Người gặp vấn đề về sức khỏe nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ trước khi tập luyện.
Tránh chấn thương. Không chỉ chấn thương khi tuổi đã cao mà chấn thương khi còn trẻ cũng có thể dẫn đến thoái hóa khớp trong tương lai. Khi tập thể dục cũng như sinh hoạt hàng ngày cần chú ý tránh té ngã. Không uốn cong quá 90 độ khi thực hiện động tác gập đầu gối, mang giày vừa vặn. Điều trị y tế kịp thời nếu xảy ra chấn thương...
Dinh dưỡng khoa học. Bác sĩ Hoàng Quyết Tiến, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chưa có chế độ ăn uống cụ thể nào được chứng minh có thể ngăn ngừa thoái hóa khớp nhưng một số chất dinh dưỡng nhất định có tác dụng làm chậm quá trình mắc bệnh hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Trong các bữa ăn, nên bổ sung axit béo omega 3, vitamin D, nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế tối đa thức ăn nhanh và đồ uống chứa chất kích thích, nhiều đường.
Một số tinh chất thiên nhiên như eggshell membrane (chiết xuất màng vỏ trứng), collagen type 2 không biến tính, collagen peptide thủy phân, turmeric root (chiết xuất nghệ)... có tác dụng hỗ trợ tái tạo sụn khớp và xương dưới sụn, tăng cường chất lượng dịch khớp, làm chậm quá trình thoái hóa khớp.