Tại sao suy thận mạn khó phát hiện sớm?
Suy thận mạn tiến triển âm thầm, ít triệu chứng hoặc triệu chứng không biểu hiện ra bên ngoài nên người bệnh khó phát hiện và điều trị sớm.
Ước tính Việt Nam có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính, đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Mỗi năm, khoảng 8.000 người được chẩn đoán bệnh, khoảng 800.000 bệnh nhân cần chạy thận lọc máu.
Suy thận mạn giai đoạn cuối xảy ra khi chức năng lọc máu của thận suy giảm nghiêm trọng, độ lọc cầu thận (eGFR) dưới 15 ml/phút/1,73 m2 da. Ở giai đoạn này, thận không còn khả năng lọc thải các độc tố, các chất dư thừa ra khỏi cơ thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều cơ quan nội tạng như tim, gan, phổi, dạ dày, đe dọa tính mạng. Người bệnh cần được lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
Có nhiều nguyên nhân gây suy thận mạn. Trong đó, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh cầu thận là những nguyên nhân phổ biến nhất. Ngoài ra còn do thận ứ nước lâu ngày, nhiễm trùng thận, sỏi thận, ung thư thận, lạm dụng thuốc, sử dụng các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc...
BS.CKII Ngô Đồng Dũng, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết suy thận mạn tính tiến triển âm thầm. Ở những giai đoạn đầu, bệnh không có dấu hiệu rõ ràng. Khi chức năng thận đã suy giảm nhiều, các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, các triệu chứng này không biểu hiện bên ngoài cơ thể, nếu không thường xuyên khám sức khỏe, làm các xét nghiệm đánh giá chức năng thận như siêu âm, xét nghiệm máu và nước tiểu, người bệnh khó phát hiện bệnh.
Khi các triệu chứng biểu hiện rõ rệt ra bên ngoài cơ thể như phù chân, phù mí mắt, sụt cân, tiểu máu, dễ mệt mỏi, ngứa da, chuột rút cơ bắp, khó thở, đau đầu..., bệnh suy thận mạn đã ở giai đoạn sau. Phần lớn trường hợp người bệnh phát hiện suy thận mạn tình cờ khi xét nghiệm bệnh khác hoặc bệnh ở giai đoạn muộn.
Để phát hiện sớm suy thận mạn, bác sĩ Đồng Dũng khuyến cáo khám sức khỏe định kỳ, làm các xét nghiệm chuyên sâu nhằm đánh giá chức năng thận mỗi 6-12 tháng một lần, nhất là người thừa cân - béo phì, tiểu đường, hút thuốc lá lâu năm, có người thân mắc bệnh thận.
Xây dựng thói quen tốt cho thận như uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày, giảm ăn mặn và thịt động vật, hạn chế uống bia rượu, không hút thuốc lá. Không dùng các loại thực phẩm chức năng và nước lá cây không rõ nguồn gốc. Tránh tự ý mua thuốc sử dụng khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ. Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao vừa sức.