Tàn nhang khác nám thế nào
Tàn nhang có thể xuất hiện từ nhỏ, nằm riêng lẻ, còn nám thường do lão hóa, dạng mảng có nhiều kích thước, màu sắc, nông sâu khác nhau.
Tàn nhang và nám má là tình trạng tăng sắc tố do da tăng sản sinh melanin. BS.CKI Lê Nguyễn Thủy Vy, Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hai vấn đề da này có cùng nguyên nhân như di truyền, lão hóa, rối loạn nội tiết hoặc do yếu tố môi trường như thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Các vị trí dễ tiếp xúc ánh nắng như mặt, cổ vai, gáy, tay, chân thường bị nám, tàn nhang.
Tàn nhang có thể xuất hiện lần đầu khi còn nhỏ. Chúng thường ở lớp nông trên bề mặt da, có dạng tròn với kích thước nhỏ 1-5 mm, bằng đầu tăm hoặc hạt mè (vừng), nằm riêng lẻ hoặc liên kết thành từng mảng nhỏ giới hạn rõ. Tàn nhang thường gặp nhiều hơn ở người da trắng. Màu sắc thường đa dạng, có thể đen, nâu nhạt, nâu sẫm hoặc thâm vàng. Độ đậm nhạt của tàn nhang có thể thay đổi theo cường độ ánh sáng mặt trời, phai nhạt trong mùa đông.
Một số trường hợp tàn nhang có thể mờ đi tự nhiên. Chúng cũng có xu hướng giảm dần khi càng lớn tuổi. Sự xuất hiện đồi mồi có thể thay thế cho tình trạng tàn nhang lúc trẻ nếu không có biện pháp chống nắng thích hợp.
Nám da là tình trạng rối loạn sắc tố da xuất hiện khi sắc tố melanin được sản sinh quá mức dẫn đến hình thành các đốm, mảng sẫm màu với nhiều mức độ, từ nâu nhạt đến nâu sậm. Nám da có những biểu hiện khác nhau tùy theo kích thước, màu sắc và độ nông sâu, thường ở vùng trán, đối xứng hai bên má, cằm, trán, thậm chí khắp mặt, hoặc ở cổ, vai, lưng, cánh tay, bàn tay...
Tình trạng này xuất hiện nhiều ở phụ nữ 20-50 tuổi, nhất là khi làn da bắt đầu lão hóa mạnh, phụ nữ mang thai và sau sinh, giai đoạn tiền mãn kinh dễ bị nám hơn.
Theo bác sĩ Vy, điều trị nám và tàn nhang có nhiều điểm chung nhưng liệu trình không giống nhau ở từng vùng da. Người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da để được xác định tính chất, tình trạng da cũng như mức độ nám, tàn nhang để có liệu trình điều trị tốt nhất.
Các vết tăng sắc tố mới, mức độ nhẹ, nông, thông thường có thể được điều trị bằng thuốc thoa, thuốc uống. Các thành phần giúp làm sáng da trong thuốc sẽ ức chế sự phát triển của sắc tố melanin và làm mờ nám, tàn nhang trên da. Hiệu quả điều trị nhanh hay chậm tùy thuộc vào tình trạng da và sự tuân thủ của của mỗi người.
Tình trạng tăng sắc tố mức độ nặng, lâu năm có thể kết hợp điều trị bằng các công nghệ hiện đại như laser, tái tạo da bằng hóa học hoặc sinh học (peel da), điện di, mesotherapy các tinh chất giúp làm sáng da... Bác sĩ Vy cho biết các phương pháp này mang lại hiệu quả cao, an toàn nhưng cần nhiều lần và phải thực hiện bởi bác sĩ tại cơ sở y tế được cấp phép.
Người đang điều trị tình trạng tăng sắc tố da nên tránh ra ngoài trong khung giờ nắng nóng cực điểm 10h-16h. Thoa kem chống nắng thường xuyên, lặp lại mỗi hai giờ khi ra ngoài trời nhằm ngăn tia cực tím (tia UV) làm tổn thương vùng da đang nhạy cảm, tránh kích thích da sản xuất thêm melanin. Nên che chắn cơ thể với mũ, áo quần dài tay, khẩu trang, găng tay hoặc ô (dù).