Thế giới có hơn 800 triệu người mắc tiểu đường
Hơn 800 triệu người trên thế giới mắc bệnh tiểu đường, số ca tăng gấp đôi trong vòng ba thập niên, theo nghiên cứu mới nhất của tạp chí Lancet.
Cụ thể, số người mắc tiểu đường trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi, từ khoảng 7% lên 14% trong 30 năm qua (1990-2022), lên hơn 800 triệu người. Mức tăng lớn nhất được ghi nhận ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Đây là phân tích toàn cầu đầu tiên về tỷ lệ mắc và điều trị tiểu đường ở tất cả quốc gia, công bố hôm 14/11.
Các nhà khoa học tại NCD-RisC, phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã sử dụng dữ liệu của hơn 140 triệu người 18 tuổi trở lên, từ hơn 1.000 nghiên cứu ở các quốc gia khác nhau. Họ đã áp dụng các công cụ thống kê để so sánh chính xác tỷ lệ mắc bệnh và điều trị giữa các quốc gia, khu vực.
Nghiên cứu nêu bật sự bất bình đẳng ngày càng tăng về sức khỏe. Hơn một nửa số ca tiểu đường toàn cầu tập trung ở 4 quốc gia: Ấn Độ (212 triệu), Trung Quốc (148 triệu), Mỹ (42 triệu) và Pakistan (36 triệu). Indonesia và Brazil lần lượt chiếm thêm 25 triệu và 22 triệu ca.
Nghiên cứu cho thấy ở một số quốc gia thuộc quần đảo Thái Bình Dương, Caribe, Trung Đông và Bắc Phi, hơn 25% dân số mắc tiểu đường. Mỹ (12,5%) và Anh (8,8%) có tỷ lệ mắc tiểu đường cao nhất trong số các quốc gia phương Tây có thu nhập cao. Sự gia tăng béo phì cùng dân số già hóa đồng nghĩa ngày càng nhiều người có nguy cơ mắc tiểu đường type 2.
"Nghiên cứu mới cho thấy cần có chính sách sách mạnh mẽ hơn, đặc biệt là ở khu vực có thu nhập thấp nhằm hạn chế thực phẩm không lành mạnh, giảm giá thực phẩm lành mạnh và khuyến khích tập thể dục", tiến sĩ Ranjit Mohan Anjana, tác giả công trình, chủ tịch của Quỹ Nghiên cứu bệnh tiểu đường Madras tại Ấn Độ, nhận định.
Công trình này cũng cho thấy, dù thuốc tiểu đường có sẵn, việc thiếu cơ hội điều trị cũng làm gia tăng sự bất bình đẳng. Trong khi tại các quốc gia có thu nhập cao, hơn 55% người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường được điều trị vào năm 2022, đối với các nước thu nhập thấp và trung bình, con số không cải thiện.
"Điều này đặc biệt đáng lo ngại, vì những người bệnh tiểu đường ở quốc gia thu nhập thấp thường trẻ hơn. Nếu không được điều trị hiệu quả, họ có nguy cơ gặp biến chứng suốt đời như cắt cụt chi, bệnh tim, tổn thương thận, đột quỵ hoặc mất thị lực", giáo sư Majid Ezzati, Đại học Imperial College London, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, nhận định các quốc gia cần khẩn trương hành động. Ông khuyến khích ban hành chính sách hỗ trợ chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất, cải thiện hệ thống y tế, cung cấp dịch vụ phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị căn bệnh.
Tiểu đường là bệnh mạn tính, xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể không sử dụng hiệu quả insulin được sản xuất. Tiểu đường không được kiểm soát gây tăng đường huyết, theo thời gian làm tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là thần kinh và mạch máu.
Tiểu đường type 1 là bệnh tự miễn, trong đó cơ thể phá hủy các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Tiểu đường type 2 là rối loạn chuyển hóa khiến cơ thể ngừng sử dụng insulin đúng cách. Hơn 95% người mắc tiểu đường là tiểu đường type 2. Không giống như type 1, tiểu đường type 2 phần lớn có thể ngăn ngừa. Các yếu tố làm tăng nguy cơ tiểu đường là ăn nhiều, ăn uống không lành mạnh, thiếu vận động, di truyền. Mức độ béo phì ngày càng tăng đang thúc đẩy "đại dịch" tiểu đường type 2.