Thị lực 10/10 vẫn đục thủy tinh thể
HÀ NỘIMinh Hòa, 37 tuổi, hai mắt đạt thị lực 10/10 song đôi khi bị lóa khi đi nắng, bác sĩ chẩn đoán bị đục thủy tinh thể.
Tháng 6/2023, khi đang giám sát công trình, Hòa bỗng lóa mắt, không thể điều phối các tổ xây dựng. Đến cửa hàng kính để kiểm tra, kết quả đo thị lực của Hòa đạt 10/10. Vì vậy, anh cho rằng tình trạng này chỉ xuất hiện tạm thời. Hòa nghe theo tư vấn, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, nhỏ dung dịch chăm sóc mắt hàng ngày.
Tuy vậy tình trạng lóa mắt lặp lại nhiều lần, lúc đang lái xe, khi thì làm việc, chơi thể thao ngoài trời. Có lúc đang di chuyển trên cao tốc, Hòa lóa mắt nên thắng đột ngột, suýt gây ra tình huống nguy hiểm. Nhận thấy sự bất thường trong thị lực, anh đến khám tại Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh.
Trực tiếp khám cho Hòa là TTƯT.PGS.TS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc trung tâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhãn khoa Việt Nam. Sau khi lắng nghe các biểu hiện, PGS Hiệp nghi ngờ đục thủy tinh thể sớm, ít gặp ở người trẻ. Vì vậy ngoài đo thị lực thông thường, nam bệnh nhân được kiểm tra bằng máy sinh hiển vi, nhỏ thuốc giãn đồng tử để đánh giá chính xác nhất.
Sau thăm khám, bác sĩ kết luận mắt trái bị đục dưới bao sau thủy tinh thể và đục vùng trung tâm. Chính căn bệnh đục thủy tinh thể gây tình trạng lóa mắt khi ra trời nắng.
Nhận kết quả, Minh Hòa nói: "Không thể tin". Anh nghĩ rằng bệnh chỉ xuất hiện ở người cao tuổi, trong khi bản thân chưa đến 40.
PGS Hiệp cũng đánh giá đây là trường hợp khó lý giải vì bệnh nhân độ tuổi còn trẻ, không gặp chấn thương, không mắc bệnh lý nền. Thông thường, đục thủy tinh thể xuất hiện ngoài 50 tuổi sau quá trình lão hóa. Tuy nhiên nhiều người trẻ cũng bị đục thủy tinh thể sau chấn thương mắt, viêm màng bồ đào, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, hạ canxi máu mạn tính, lạm dụng thuốc corticoid...
"Tình trạng này không liên quan tới vấn đề căng thẳng và nghỉ ngơi không đủ", PGS Hiệp nói. Về lý do thị lực vẫn đạt 10/10, ông lý giải đục thủy tinh thể giai đoạn đầu chưa ảnh hưởng rõ ràng. Bệnh nhân đo ở phòng khám có ánh sáng dịu, đồng tử giãn ra nên nhìn bình thường. Khi ra ngoài trời nắng, ánh sáng mạnh khiến đồng tử co lại, bệnh mới biểu hiện rõ ràng là lóa mắt.
Thủy tinh thể bị đục không thể chữa khỏi hoàn toàn song có thể làm chậm quá trình tiến triển. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể đeo kính tối màu khi ra trời nắng nhằm khắc phục tạm thời tình trạng lóa.
Với trường hợp của Hòa, công việc liên tục ở ngoài trời, đòi hỏi thị lực tốt trong mọi điều kiện ánh sáng, được bác sĩ tư vấn phẫu thuật thay thủy tinh thể. Trước khi mổ, bệnh nhân được kiểm tra thông số nhãn cầu, giác mạc, tính toán công suất thủy tinh thể với máy sinh trắc học nhãn cầu Argos. Bác sĩ còn chụp cắt lớp OCT sàng lọc bệnh dịch kính và đáy mắt để tiên lượng kết quả phẫu thuật.
Qua các kiểm tra, bệnh nhân đủ điều kiện mổ Phaco, cuối tháng 6 được phẫu thuật. PGS Hiệp thực hiện mổ với hệ thống Phaco Centurion Vision System. Quá trình thực hiện cẩn trọng để không làm vỡ bao thủy tinh thể, nhằm tránh rơi một phần thủy tinh thể vào buồng dịch kính gây biến chứng nặng cho mắt. Hòa được thay thủy tinh thể nhân tạo đa tiêu cự, cho phép nhìn rõ ở mọi khoảng cách tương tự thủy tinh thể ban đầu.
Ca mổ an toàn, bệnh nhân chỉ cần nhỏ gây tê. Hòa lấy lại thị lực ngay sau mổ và xuất viện trong ngày. Anh hiện có thể nhìn được bình thường trong ánh sáng mạnh lẫn trời tối, không còn bị lóa.
Đục thủy tinh thể còn gọi là cườm đá, cườm khô. Bệnh này khiến thủy tinh thể bị mờ, ánh sáng khó đi qua và không hội tụ được hình ảnh tại võng mạc.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đục thủy tinh thể nằm trong nhóm nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực và mù lòa. Cơ quan này ước tính, trong một tỷ người bị suy giảm thị lực nhìn xa hoặc mù lòa năm 2023, có 94 triệu ca đục thủy tinh thể, 88,4 triệu người gặp tật khúc xạ... Đục thủy tinh thể cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa tại Việt Nam, theo Bệnh viện Mắt Trung ương.
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng không rõ ràng, khó nhận biết. Khi suy giảm thị lực, nhìn mờ, bệnh đã vào giai đoạn nặng, tăng nguy cơ mù lòa. Do đó, bác sĩ cần hỏi rõ từng biểu hiện trong quá trình khám, để phát hiện sớm.
Những biểu hiện thường gặp của đục thủy tinh thể bao gồm lóa mắt, khó khăn khi nhìn vào ban đêm, xuất hiện quầng sáng, hiện tượng nhìn mờ sương, nhìn mọi vật có màu nâu vàng, nhìn đôi nhìn ba... Một số trường hợp cần thử thị lực ở cả ánh sáng ngoài trời và trong tối để đánh giá chính xác nhất.
PGS Hiệp khuyến cáo người gặp vấn đề mắt nên khám ở bệnh viện có chuyên khoa uy tín. Bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm có thể phát hiện sớm và chính xác bệnh, từ đó tư vấn điều trị phù hợp nhất, điều trị bảo tồn hoặc can thiệp phẫu thuật cần thiết.
Để giữ cho mắt khỏe mạnh, PGS Hiệp khuyên sử dụng kính râm có khả năng cản tia UV khi làm việc ngoài trời. Một số phương pháp cải thiện sức khỏe tổng thể cũng giúp giữ gìn đôi mắt sáng, như lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống bổ sung các nguồn thực phẩm giàu lutein, zeaxanthin, axit béo omega-3, vitamin C.
"Người dân không tự sử dụng thuốc khi không có chỉ định", PGS Hiệp nói. Lý do, nhiều loại thuốc chứa corticoid, có thể gây đục thủy tinh thể khi sử dụng kéo dài. Người dưới 40 tuổi nên tầm soát bệnh mắt định kỳ 2-4 năm một lần, 40-60 tuổi nên tầm soát 2-3 năm một lần và 1-2 năm một lần sau 60 tuổi.