Triệt sản để chia sẻ gánh nặng tránh thai cho vợ
Hà NộiĐể vợ không phải dùng biện pháp tránh thai, anh Nam, 31 tuổi, quyết định triệt sản, dù bị nhiều người phản đối.
Anh Nam là cán bộ nhà nước, đã có hai con trai và không có ý định sinh thêm. Gần đây, anh thấy vợ bị mệt mỏi, chán nản vì phải uống thuốc tránh thai mỗi ngày. Nhiều lần đi du lịch, hai vợ chồng hốt hoảng vì quên mang thuốc. Ngoài ra, người vợ cũng lo lắng tác dụng phụ thuốc tránh thai như nguy cơ gây cục máu đông. Chị đã tìm hiểu nhiều phương pháp tránh thai khác như đặt vòng, cấy que.... song vẫn sợ mang thai ngoài ý muốn.
Đến Bệnh viện E, anh nói muốn thắt ống dẫn tinh để kế hoạch hóa gia đình và vợ không cần uống thuốc. Trước đó, anh bị nhiều người phản đối, cho rằng triệt sản sẽ thành "thái giám", suy giảm ham muốn, yếu sinh lý.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Quang Khải, Khoa Phẫu thuật Thận Tiết niệu - Nam học, giải thích thắt ống dẫn tinh là tiểu phẫu an toàn, dễ thực hiện, biến chứng rất nhỏ, chỉ khoảng 1%. Triệt sản không ảnh hưởng đến sức khỏe hay ham muốn tình dục do tinh hoàn của bệnh nhân vẫn sản xuất hormone tình dục testosterone như bình thường.
Tuy nhiên, bác sĩ khuyên hai vợ chồng cần suy nghĩ kỹ trước khi can thiệp và phải kiêng giao hợp trong thời gian đầu để tránh mang thai do tinh trùng có thể còn sót lại bên trong.
Cũng đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe nam giới, anh Sơn, 35 tuổi, cho biết có ba con. Thời gian đầu, vợ uống thuốc tránh thai bị tăng cân, nổi mụn trứng cá, rối loạn kinh nguyệt nên thường cáu gắt. Sau đó, chị chuyển sang tiêm thuốc tránh thai, bị rối loạn tình dục, không muốn gần gũi với chồng, khiến gia đình căng thẳng. Anh nhận ra tránh thai là trách nhiệm của cả hai nên quyết định đi thắt ống dẫn tinh.
Triệt sản ở nam giới là thủ thuật thắt hai đầu ống dẫn tinh nhằm ngăn tinh trùng đi qua tới dương vật để ra ngoài. Thủ thuật này được áp dụng ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Anh... và trở thành xu hướng ở nhiều nước trên thế giới. Số liệu thống kê ở Mỹ cho thấy tỷ lệ thắt ống dẫn tinh đã tăng từ 6% vào đầu năm 2022 lên đến 9% vào cuối năm. Ước tính mỗi năm khoảng 500.000 nam giới Mỹ đi thắt ống dẫn tinh.
Hiện chưa có thống kê số lượng nam giới đã triệt sản ở Việt Nam, nhưng ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy xu hướng này tăng lên. Bác sĩ Phạm Minh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Y học Giới tính Hà Nội, cho biết một tháng đơn vị này tiếp nhận 15 – 20 trường hợp thắt ống dẫn tinh, trước đó chỉ khoảng vài người.
Ngoài gia tăng về số lượng, độ tuổi nam có nhu cầu thắt ống dẫn tinh cũng đang trẻ hóa. Trước đây, tại cơ sở này, hầu hết nam giới đến thắt ống dẫn tinh đều ở tuổi trung niên, hiện nhiều nam giới 30, 35 tuổi.
Lý giải tình trạng này, bác sĩ Ngọc cho biết thông tin về vấn đề thắt ống dẫn tinh và hiểu được đây là phương pháp an toàn đã và đang được truyền thông tích cực, hiệu quả. Nhiều người chồng đã biết chia sẻ, thông cảm, gánh vác trách nhiệm tránh thai với vợ. Sự tiến bộ của y học cũng giúp cặp vợ chồng tin tưởng vào phương pháp triệt sản, lựa chọn thắt ống dẫn tinh để ngừa thai tuyệt đối.
"Đây là tín hiệu tích cực và lạc quan", theo bác sĩ Khải, bởi hiện nay tỷ lệ triệt sản nữ vẫn cao hơn nam và đa số chị em đi triệt sản chỉ để chiều ý chồng, bảo vệ hạnh phúc gia đình, sợ chồng bỏ bê vợ, ngoại tình... Còn nhiều nam giới cho rằng triệt sản gây yếu sinh lý, rối loạn cương, lâu dần ảnh hưởng đến khả năng quan hệ nên đè nặng trách nhiệm lên người vợ.
Theo kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2020, cả nước có gần 13 triệu phụ nữ 15-49 tuổi đã lập gia đình, ghi nhận hơn 120.000 ca đình sản nữ trong khi đình sản nam có khoảng hơn 10.000 trường hợp. Tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi có gia đình sử dụng biện pháp triệt sản chiếm 0,9%. Trong đó, hơn 55% nữ giới chọn triệt sản khi có ba con trở lên, hơn 40% chọn đình sản khi đã sinh đủ hai con.
Theo bác sĩ, các phương pháp tránh thai của nữ như tiêm thuốc, uống thuốc, dùng que cấy đều ít nhiều có các tác dụng phụ nhất định như gây tăng cân, rậm lông, mụn trứng cá, rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng nội tiết. Triệt sản ở nữ cũng nhiều rủi ro, phẫu thuật phức tạp, phải gây mê hoặc gây tê tủy sống, nguy cơ viêm nhiễm, chảy máu hoặc biến chứng do xuất huyết.
Tuy nhiên, nam giới cần cân nhắc kỹ tìm hiểu trước khi ra quyết định, bởi khôi phục khả năng sinh sản sau khi thắt ống dẫn tinh chỉ hiệu quả 80 - 90%, dễ tắc lại, gây tốn kém. Nhiều trường hợp nối lại sau khi thắt không thể sinh con tự nhiên do chất lượng tinh trùng không đủ điều kiện, buộc phải thụ tinh trong ống nghiệm.