Tuổi đôi mươi đã suy buồng trứng
Thanh Hà 29 tuổi, ở Hà Nội, kết hôn một năm không có con, bác sĩ phát hiện suy buồng trứng sớm và tư vấn kích trứng để sinh con.
Sau kích trứng, Hà vẫn không thu được nang noãn nào. Các bác sĩ tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản và Công nghệ Mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tư vấn cách duy nhất để có con là xin trứng, sau đó làm thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của chồng.
Hà xin trứng của em gái ruột kém cô 3 tuổi, đang du học tại Mỹ. Khi em gái về nước, xét nghiệm dự trữ buồng trứng, tức số lượng và chất lượng các nang noãn còn lại ở buồng trứng (AMH), chỉ còn 0,5 ng/ml. Thông thường ở độ tuổi này, chỉ số AMH là trên 2. Chỉ số dự trữ buồng trứng của cô gái này tương đương với phụ nữ 40-50 tuổi.
May mắn, sau khi kích trứng, người em gái thu được 4 nang. Số trứng này đã chuyển cho người chị để thụ tinh ống nghiệm. Hiện, người chị vừa sinh được em bé, đồng thời còn hai phôi đông lạnh lại Trung tâm. Người em sau đó tiếp tục kích trứng thêm một chu kỳ để dự trữ trứng cho mình.
Đây là một trường hợp trong nhiều phụ nữ bị suy giảm buồng trứng mà bác sĩ Nguyễn Phúc Hoàn tư vấn tại Trung tâm. Bác sĩ Hoàn vẫn nhớ một cô gái ở Hà Nội, 25 tuổi, chưa kết hôn, cũng được chẩn đoán suy buồng trứng sớm. Cô này bị rối loạn kinh nguyệt, sau đó mất kinh. Kết quả xét nghiệm AMH rất thấp, kích trứng không đáp ứng. Tương tự như Hà, cô gái này muốn sinh con cũng phải xin trứng để thụ tinh.
Theo bác sĩ Hoàn, thông thường phụ nữ ở độ tuổi 40-50 mới mãn kinh, suy buồng trứng. Ngày nay, nhiều phụ nữ tuổi 30, thậm chí mới hơn 20, đã suy buồng trứng chưa rõ nguyên nhân. Đa phần họ đến bệnh viện khám vì rối loạn kinh nguyệt, kết hôn lâu không có con, hoặc đã có một con muốn sinh con thứ hai nhưng không thụ thai. Khi được chẩn đoán suy giảm buồng trứng sớm, hầu hết phản ứng của họ là rất sốc, giải pháp là đều phải kích trứng để làm thụ tinh ống nghiệm.
Trên thế giới, khoảng 9-24% phụ nữ bị suy giảm buồng trứng trong số trường hợp cần hỗ trợ sinh sản. Ở Việt Nam, hiện không có thống kê tỷ lệ suy giảm buồng trứng, tuy nhiên gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn so với những năm trước.
"Tỷ lệ phát hiện cao hơn có thể do phụ nữ quan tâm đến sức khỏe và chủ động đến bệnh viện khám nhiều hơn", bác sĩ Hoàn nói, ngày 28/9.
Bác sĩ cho biết người mắc bệnh này, buồng trứng ngừng hoạt động quá sớm khi chưa đến tuổi mãn kinh. Những trường hợp chỉ số dự trữ buồng trứng dưới 1,1 ng/ml cần phải dự trữ trứng, hoặc đẩy sớm quá trình mang thai.
Bệnh không có dấu hiệu, thường phát hiện tình cờ. Một số trường hợp chu kỳ kinh rối loạn, ngắn lại, còn khoảng 24, 25 ngày. Một số bị suy buồng trứng sớm có triệu chứng tương tự mãn kinh tự nhiên, bao gồm cơn bốc hỏa, dễ kích động, khó tập trung tư tưởng, ít quan tâm đến tình dục, mất khả năng sinh sản...
"Không có cách nào phục hồi hoạt động bình thường của buồng trứng. Người bệnh bắt buộc sớm được xét nghiệm, kích trứng, đông trứng để sau này có con, không suy nghĩ lâu", bác sĩ Hoàn khuyến cáo.
Nguyên nhân dẫn đến suy buồng trứng không rõ ràng, một vài yếu tố như hormone, gene, hệ miễn dịch, ung thư... Các nguyên nhân về sinh hoạt và ăn uống chưa được chứng minh chính thức.
Để phòng bệnh, nên xây dựng lối sống lành mạnh, tránh căng thẳng. Ăn đủ chất, hạn chế tiếp xúc với hóa chất, khám phụ khoa định kỳ.
Nên kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai để bác sĩ đánh giá chức năng buồng trứng của người vợ và tinh trùng của người chồng, từ đó cân nhắc biện pháp hỗ trợ sinh sản. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công đạt trên 60%. Phụ nữ có thể đông trứng hoặc đông phôi để có cơ hội làm mẹ sau này.