Viêm nặng do dính độc kiến ba khoang ở vùng da nhạy cảm
TP HCMNhiều người bị dính chất độc của kiến ba khoang ở mắt, nách, vùng kín, nơi da mỏng và nhạy cảm, khiến tổn thương lan rộng, lâu lành.
Miền Nam đang trong mùa mưa - điều kiện thuận lợi để kiến ba khoang sinh sôi phát triển. Chúng thường bay vào nhà, lẫn vào đồ dùng hoặc tiếp xúc với con người trong sinh hoạt dẫn đến dính độc kiến gây viêm da.
Ngày 18/10, BS.CKI Quách Thị Bích Vân, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết một người có thể nhiều lần mắc bệnh viêm da do độc kiến ba khoang tùy theo số lần tiếp xúc độc kiến. Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM mỗi ngày tiếp nhận 15-20 ca viêm da do kiến ba khoang. Một số trường hợp viêm ở mắt, nách, bộ phận sinh dục, bẹn... là những vùng da mỏng, nhạy cảm, gây ra các triệu chứng nghiêm trọng.
Như anh Nam, 29 tuổi, ngụ Bình Dương, phát hiện kiến ba khoang bò ở vùng kín nên dùng tay giết, sau đó bị nổi mẩn đỏ, bọng nước, đau rát và ngứa da. Anh thoa thuốc mỡ chứa kháng sinh, triệu chứng dịu hơn song hai ngày sau vùng kín sưng, nổi hạch, đau dữ dội nhất khi bước đi.
BS.CKI Phan Sơn Long, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, chẩn đoán anh Nam bị viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang, nhiễm trùng tại chỗ. Một diện tích da lớn ở vùng sinh dục, bẹn, đùi hai bên của người bệnh nổi nhiều mụn mủ nông màu vàng, vài vị trí trợt loét, rỉ nhiều dịch. Sang thương có dấu hiệu lan rộng do chất độc pederin của kiến ba khoang dính vào quần, thường xuyên cọ xát lên da.
Tương tự, chị Hà, 34 tuổi, bỏng độc kiến ba khoang ở mông, mặt dưới đùi, hai bên khoeo chân. Ban đầu xuất hiện 1-2 nốt rộp da nhỏ ở đầu gối bên phải sau đó lan ra hai bên chân, chị mua thuốc bôi ba ngày không bớt phải đến bệnh viện khám.
Bác sĩ Vân giải thích kiến ba khoang có chứa độc chất pederin. "Lượng pederin trong kiến ba khoang rất ít, không đủ để gây nguy hiểm tính mạng, nhưng độc chất mạnh gấp 10-15 lần nọc độc của rắn hổ mang", bác sĩ Vân nói. Do đó, người có cơ địa mẫn cảm, bị suy giảm miễn dịch có thể gặp các phản ứng nghiêm trọng hơn như dị ứng toàn thân hoặc bội nhiễm thêm vi khuẩn khác. Một số trường hợp bị chất độc pederin dính vào mí mắt gây sưng nề, viêm kết mạc, tăng nguy cơ tổn thương giác mạc, thậm chí mất thị lực tạm thời nếu dụi mắt khiến pederin rơi vào trong mắt.
Da ở nách, bẹn, đùi mỏng, mềm, nhạy cảm hơn những vùng da khác nên khi dính chất độc pederin dễ tổn thương nặng, ẩm ướt, lâu lành hơn. Các vùng nhạy cảm này có khuynh hướng cọ xát khi hoạt động nên sang thương thường lan tỏa rộng hơn các vùng khác, gây hạn chế vận động.
Tổn thương do kiến ba khoang có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da nào, phổ biến ở cổ, ngực, tay, chân, bụng. Tùy vị trí tiếp xúc mà hình dạng sang thương trên da khác nhau, có thể dạng đường dài, hoặc thành cụm đối xứng nếu ở các nếp gấp khoeo tay, khoeo chân... Dấu hiệu nhẹ nhất là xuất hiện vết sưng đỏ, rát từ vài mm đến vài cm. Sau vài giờ hoặc một ngày, sang thương phát triển thành những nốt mụn nước, mụn mủ giữa dát đỏ. Bệnh nhẹ, người bệnh chỉ cảm thấy rát, ngứa, nổi một vài vết đỏ lấm tấm kèm mụn nước, mụn mủ nhỏ. Sau 3-5 ngày, tổn thương khô mà không thành phỏng nước, bọng mủ.
Trường hợp nặng hơn, thương tổn rộng, bọng nước, bọng mủ nông lan rộng, gây trợt loét, nặng hơn là hoại tử. Lúc này cảm giác đau, rát càng tăng và có thể kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh đỡ nhanh, tổn thương đóng vảy tiết sau khoảng 4-6 ngày, khô dần, bong vảy để lại vết da sẫm màu, mất đi dần sau vài tuần đến vài tháng, bác sĩ Long cho biết.
Bác sĩ kê thuốc uống kháng sinh, thuốc thoa kháng viêm, thuốc kháng histamin cho anh Nam để giảm ngứa và kích ứng da. Tuy nhiên, anh Nam có nguy cơ bị sẹo xấu vì vết thương lan rộng, điều trị muộn kèm tình trạng nhiễm trùng thứ phát. Còn chị Hà sau 5 ngày điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ, mặc quần áo rộng rãi, tránh nằm đè, ngồi lên vết thương, các vùng da đã khô, bắt đầu đóng mài. Chị cần tránh cào gãi, cạy bóc lớp mài vết thương để tránh sẹo. Da có khả năng tăng sắc tố sau viêm, cần vài tháng để vết thâm mờ hẳn.
Khi nghi ngờ tiếp xúc với kiến ba khoang, nhất là ở các vùng nhạy cảm, các bác sĩ khuyến cáo rửa da dưới vòi nước chảy và xà phòng nhiều lần để làm sạch độc tố. Nếu có các triệu chứng như nổi dát đỏ thành vệt, hơi cộm lên bề mặt da, nổi mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, da phồng rộp như bỏng nhiệt, người bệnh cần sớm tới cơ sở y tế để được khám và điều trị. Tránh chà xát, tì đè hay tự mua thuốc điều trị không hiệu quả khiến tình trạng nặng hơn, lây lan rộng.
Một số bệnh như zona, herpes da có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với viêm da do kiến ba khoang. Người bệnh không nên tự đoán, tự chữa bệnh bằng đơn thuốc của người khác, dùng mẹo hay bài thuốc dân gian như đắp lá cây, vẽ khoán... Điều trị không đúng nguyên nhân làm tăng nguy cơ bệnh nặng hơn.