Vòng tránh thai và thời điểm thích hợp để đặt vòng
Việt Nam đang dùng hai loại vòng tránh thai, đặt vào bất kỳ ngày nào trong vòng kinh, sau khi sạch kinh hoặc sau sinh 6 tuần, sau 6 tháng nuôi con bằng sữa mẹ.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Lan, Khoa Sản, Bệnh viện Quân y 175.
Vòng tránh thai là gì?
- Vòng tránh thai (tên tiếng Anh là Intrauterine Device - IUD) là một dụng cụ nhỏ thường có hình chữ T được đặt vào lòng tử cung của người phụ nữ, có tác dụng tránh thai tạm thời.
- Hiện nay có 2 loại vòng phổ biến và được sử dụng rộng rãi là:
IUD bằng đồng (Cu-IUD): Vòng tránh thai này thường có tác dụng 5-10 năm.
IUD chứa nội tiết tố: Vòng tránh thai này có tác dụng trong khoảng 3-5 năm.
Một số loại vòng tránh thai phổ biến
- Ở Việt Nam, vòng Multiload và TCu 380 đang được sử dụng rộng rãi.
- Gần đây, vòng Mirena (vòng tránh thai có chứa nội tiết progestin) đã xuất hiện trên thị trường, ngoài tác dụng ngừa thai còn giúp giảm đau bụng kinh và các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung như đau vùng chậu, xuất huyết bất thường, tuy nhiên giá thành hơi cao so với mặt bằng chung.
Cơ chế hoạt động
- Cơ chế tác dụng chính của vòng tránh thai là gây ra phản ứng viêm tại lớp niêm mạc tử cung, từ đó làm thay đổi về sinh hóa tế bào nội mạc và tạo ra điều kiện không thuận lợi để trứng thụ tinh làm tổ.
- Đối với loại dụng cụ tử cung chứa đồng hoạt động theo cơ chế:
Hiệu quả tránh thai đạt được nhờ sự phóng thích liên tục của đồng vào trong buồng tử cung, từ đó làm quá trình viêm tăng lên và có thể gây ra những cơn co tử cung ngăn chặn sự làm tổ của trứng.
Sự hiện diện của Ion đồng còn làm thay đổi sinh hóa ở chất nhầy cổ tử cung, khiến chất nhầy đặc lại từ đó ảnh hưởng đến sự di động, hoạt hóa và giảm khả năng sống sót của tinh trùng.
- Đối với vòng tránh thai có chứa nội tiết:
Nội tiết Progesterone giúp ngăn chặn hoạt động chu kỳ của nội mạc tử cung do nồng độ progesterone cao so với estrogen, không tạo điều kiện thuận lợi cho trứng thụ tinh để có thể làm tổ và phát triển.
Có thể gây ra ức chế rụng trứng.
Đặt vòng tránh thai an toàn không?
- Ưu điểm:
Với hiệu quả tránh thai hơn 99%, chi phí tiết kiệm, thời hạn sử dụng trong nhiều năm, có thể tháo bất cứ lúc nào, vòng tránh thai chữ T được nhiều phụ nữ lựa chọn, đặc biệt các bà mẹ đang cho con bú.
Bên cạnh đó, đặt vòng tránh thai cũng áp dụng được cho những người có chống chỉ định với estrogen, phương pháp này cũng không ảnh hưởng đến cơ chế đông máu, huyết áp, chuyển hóa, hay không gây u nội mạc tử cung.
- Nhược điểm:
Có thể có rong huyết trong vài chu kỳ đầu sau đặt.
Có thể có triệu chứng đau lưng, đau thắt do cơn co tử cung, đau có thể khỏi tự nhiên hay dùng thuốc giảm đau
Ra nhiều khí hư trong thời gian đầu do phản ứng của nội mạc tử cung, hiện tượng này sẽ giảm dần nếu không có nhiễm trùng nội mạc tử cung
Có khoảng 2-5% rơi vòng trong 3 tháng đầu sau đặt, nếu không phát hiện, nguy cơ có thai dễ xảy ra.
Cần đến cơ sở y tế để đặt vòng, tháo vòng hay thay vòng theo thời hạn quy định của từng loại vòng.
Những trường hợp không nên sử dụng vòng tránh thai
- Tuyệt đối:
Có thai hay nghi ngờ có thai.
Viêm nhiễm đường sinh dục.
Xuất huyết tử cung bất thường chưa rõ nguyên nhân.
Viêm niêm mạc tử cung sau khi sinh hay sau phá thai nhiễm trùng trong 3 tháng gần đây.
Bệnh ác tính đường sinh dục.
- Tương đối:
Chưa có con.
Tiền sử thai ngoài tử cung, tái tạo tai vòi.
Rối loạn đông máu.
Bất thường về tâm thần cản trở việc theo dõi vòng
Bệnh van tim.
Sa sinh dục độ II, III.
Có khối u xơ cơ tử cung hoặc những polyp cần phải cắt bỏ.
Nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường sinh dục cao.
Tiền sử dị ứng đồng, bệnh Wilson, bất thường trong hấp thu chuyển hóa đồng.
Thời gian thực hiện đặt vòng tránh thai
- Thời gian thực hiện thủ thuật đặt vòng tránh thai rất nhanh, không quá 5 phút. Vì vậy, phụ nữ muốn đặt vòng cần đến cơ sở y tế có đủ điều kiện, cán bộ y tế được đào tạo kỹ năng để thực hiện phương pháp này.
- Trường hợp chị em vừa hút thai, sau sạch kinh nên thực hiện thủ thuật vì khi đó đặt vòng vào sẽ nhẹ nhàng hơn so với những thời điểm khác trong chu kỳ kinh.
- Sau đặt vòng, cần nằm nghỉ tại chỗ khoảng 30 phút và trong tuần lễ đầu nên nghỉ ngơi, làm việc nhẹ, uống thuốc theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.
Nếu đau bụng, nên chườm nóng bụng dưới, có thể dùng thuốc giảm đau thông thường, kiêng giao hợp trong một tuần.
Tình trạng kinh nguyệt có thể bất thường trong 2-3 tháng đầu khi đặt vòng, sau đó sẽ trở lại bình thường.
- Phụ nữ có sử dụng phương pháp đặt vòng tránh thai, lượng máu kinh ra thường sẽ nhiều hơn người bình thường.
Giai đoạn đầu sau khi đặt vòng, để dự phòng thiếu máu, có thể bổ sung thêm viên sắt mỗi ngày, chú trọng vào chế độ ăn bằng các thực phẩm chứa nhiều sắt như mồng tơi, rau dền, gan động vật...
Nếu kinh nguyệt ra máu nhiều, máu cục, nên quay lại cơ sở y tế khám kiểm tra lại.
Thời điểm nào thích hợp nhất để đặt vòng?
Phụ nữ có thể đặt bất kỳ ngày nào trong vòng kinh khi chắc chắn đang không có thai; ngay sau khi sạch kinh hoặc đặt sau sinh 6 tuần (không cần chờ có kinh lại); ngay sau 6 tháng khi nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ và chưa có kinh trở lại hoặc ngay sau khi hút thai an toàn.
Khi nào cần tháo vòng?
- Muốn có thai.
- Muốn áp dụng một phương pháp tránh thai khác.
- Vòng tránh thai hết hạn.
- Viêm nhiễm đường sinh dục hay viêm vùng chậu cấp tính.
- Rong kinh, rong huyết.
- Đau bụng dưới nhiều, không đáp ứng với thuốc giảm đau.
- Có thai trong lúc mang vòng.
- Vòng tuột thấp hay nằm lệch trong buồng tử cung.
Một số lưu ý sau khi đặt vòng tránh thai
- Sau khi đặt vòng, nên duy trì việc đi khám phụ khoa theo các mốc 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm. Sau đó mỗi năm nên đi khám một lần để kiểm tra vị trí của vòng có đúng không, thời hạn của vòng cũng như tình trạng sức khỏe phụ khoa hiện tại.
- Đến cơ sở y tế kiểm tra khi có những dấu hiệu bất thường.
- Không để vòng tránh thai hết hạn trọng cơ thể. Tùy vào các loại vòng sẽ có thời hạn khác nhau, nên chú ý thời gian của vòng để đi thay mới nhằm tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Nên thực hiện đặt vòng tại các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn tốt, đảm bảo điều kiện vô trùng.